Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những giá trị soi đường sự nghiệp đổi mới

Cập nhật: 19-08-2013 | 00:00:00

Trong những ngày mùa thu lịch sử năm Ất Dậu (tháng 8-1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta nhất tề nổi dậy, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa đập tan gông xiềng nô lệ, ách áp bức thực dân hơn 80 năm và chế độ phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm, dựng nên một nhà nước mới - Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - thắng lợi của khát vọng và ý chí Việt Nam

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tình hình Đông Dương và cách mạng Việt Nam có những biến chuyển nhanh chóng. Nhận thấy thời cơ giải phóng dân tộc đang tới gần, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến; đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết; nhấn mạnh vấn đề chủ động tạo ra thời cơ cách mạng, tăng cường xây dựng Đảng, Mặt trận Việt Minh để đoàn kết toàn dân, sẵn sàng đón thời cơ, khởi nghĩa từng phần, tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Đây là một sự chuyển hướng chiến lược hết sức sáng suốt của Đảng ta nhằm tập hợp lực lượng vào Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để đánh đổ Nhật, Pháp và bẽ lũ tay sai, giành cho được độc lập dân tộc, tạm gác nhiệm vụ điền địa.

Ngày 19-8-1945, hơn 10 vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít-tinh mở đầu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền (Ảnh: Tư liệu)

Sau Hội nghị Trung ương 8, cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng thông qua phong trào Việt Minh, Đảng ta đã chú ý xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tạo điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của một dân tộc thuộc địa đã đứng lên tự giải phóng khỏi mọi xiềng xích nô lệ của ách thống trị thực dân, phong kiến. Với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Thắng lợi vĩ đại ấy là sự khẳng định trên thực tiễn lịch sử về tính đúng đắn của con đường cách mạng Việt Nam mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ngay từ năm 1930; chứng minh trên thực tế thành công của đường lối kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Tình hình vô cùng khẩn trương, cơ hội cho nhân dân ta giành lại nền độc lập dân tộc đã tới. Đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa ra “Quân lệnh số 1” hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Giờ tổng khởi nghĩa đã đến!

Nhờ có sự trù liệu trước, nên Hội nghị toàn quốc tại Tân Tào (Tuyên Quang) từ ngày 14 đến 15-8-1945, nhận định “cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật và tay sai trước khi lực lượng Đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân Nhật, theo ba nguyên tắc: Tập trung, thống nhất, kịp thời.

Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong không khí sôi sục cách mạng, toàn dân Việt Nam triệu người như một vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành chính quyền, làm chủ vận mệnh đất nước.

Sáng ngày 19-8-1945, với khí thế cách mạng sục sôi, cả Hà Nội vùng dậy nhanh chóng giành được chính quyền. Cùng ngày, khởi nghĩa cũng nổ ra và giành được thắng lợi ở các tỉnh lỵ Yên Bái, Thái Bình, Phúc Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa. Những ngày sau, nhiều địa phương khác cũng giành được chính quyền. Ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm ở nước ta, cổ vũ nhân dân các tỉnh Nam Trung bộ và cả Nam bộ vùng lên giành chính quyền. Sau khi Hà Nội, Huế đã giành được chính quyền, sáng sớm ngày 25-8, hàng chục vạn quần chúng Sài Gòn, Chợ Lớn, các tỉnh lân cận khởi nghĩa giành chính quyền và đã thành công nhanh chóng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra ít đổ máu và nhanh chóng giành thắng lợi trên phạm vi toàn quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 15 năm đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, tổ chức, tinh thần và lực lượng, với nghệ thuật chuẩn bị thời cơ, thúc đẩy thời cơ và chớp thời cơ mau lẹ trong “cái chớp mắt của lịch sử”, với khát vọng và ý chí kiên quyết giành độc lập, tự do của toàn thể dân tộc, với tư tưởng đem sức ta mà giải phóng cho ta, Đảng ta đã kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn và sáng tạo, đã tập hợp được hết thảy lực lượng vĩ đại của dân tộc để “vung ra những nghị lực phi thường” trong các cao trào cách mạng, mà đỉnh cao của sức sáng tạo, của trí tuệ và nguồn lực vô song đó là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân, với thế giới: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. (Còn tiếp)

TS. ĐỖ XUÂN TUẤT (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên