Đang có căng thẳng cao độ giữa chính phủ Pháp và những người phản đối cải cách hưu trí. Nước Pháp phải làm gì để vượt qua tình trạng này?
Điểm mấu chốt khiến các nghiệp đoàn phản đối dự luật cải cách hưu trí
Dự luật cải cách hưu trí với 21 điều khoản, dày 57 trang đã chính thức được chính phủ Pháp gửi đến Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Pháp xem xét từ ngày hôm qua, 30/1, bắt đầu một quá trình tranh luận và bỏ phiếu được dự đoán sẽ vô cùng căng thẳng và phức tạp trong những ngày tới.
Để đáp trả việc chính phủ Pháp theo đuổi đến cùng việc thực thi cải cách hưu trí, các công đoàn trên toàn nước Pháp cũng đã kêu gọi biểu tình, đình công trên toàn quốc lần thứ 2 trong ngày hôm nay, 31/1.
Biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí ở Pháp.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh trên đường phố nhằm gây sức ép buộc chính phủ Pháp nhượng bộ chỉ là một trong vô số cách thức phản ứng của các lực lượng chính trị-xã hội đối lập tại Pháp với chính quyền của ông Macron.
Tại nghị trường, các đảng đối lập đã đề xuất gần 7.000 sửa đổi trong dự thảo luật cải cách hưu trí để đưa ra tranh luận tại Quốc hội Pháp, trong đó riêng Liên minh nhân dân sinh thái và xã hội mới – NUPES tập hợp các đảng cánh tả (đảng Xã hội - PS, đảng nước Pháp bất khuất- LFI, đảng Cộng sản Pháp – PCF và đảng Sinh thái EELV) đã đệ trình hơn 6.000 đề xuất sửa đổi, với mục tiêu rõ ràng là làm tê liệt các tranh luận và tiến tới buộc chính phủ Pháp từ bỏ dự luật cải cách hưu trí. Cho đến thời điểm này, các điểm mấu chốt trong dự luật cải cách hưu trí thu hút nhiều nhất sự phản đối từ các đảng phái đối lập, các công đoàn và lực lượng xã hội Pháp, đầu tiên là độ tuổi về hưu.
Dự luật cải cách hưu trí của chính phủ Pháp nâng tuổi về hưu của công dân Pháp từ 62 tuổi lên 64 tuổi. Mặc dù chính phủ Pháp đã có nhượng bộ trong vấn đề này, cụ thể là trong bản dự thảo ban đầu chính phủ Pháp đề xuất tuổi về hưu là 65 tuổi, nhưng các công đoàn lao động cũng như nhiều đảng đối lập vẫn chỉ trích gay gắt, cho rằng việc bắt công dân Pháp làm việc thêm 2 năm nữa là bất công. Tiếp đến, vẫn còn rất nhiều phản đối liên quan đến việc dự thảo cải cách hưu trí không có chính sách hưu trí riêng cho các phụ nữ có con bởi những đối tượng này phải gánh chịu sức ép lớn hơn về công việc và gia đình, bị cắt giảm chế độ thai sản nhưng lại vẫn phải kéo dài thời gian làm việc như các đối tượng khác.
Nhiều chỉ trích cho rằng dự luật này chống lại quyền lợi của phụ nữ và Bộ trưởng phụ trách quan hệ với Quốc hội trong chính phủ Pháp, ông Franck Riester cũng đã thừa nhận điều này, khi cho rằng nữ giới chịu một số bất lợi hơn nam giới trong cải cách hưu trí mới. Ngoài ra, các công đoàn trong một số lĩnh vực đặc thù cũng phản đối cải cách hưu trí vì không có chính sách ưu tiên đầy đủ cho các ngành nghề độc hại có tuổi nghề thấp, như nhân viên lái tàu. Những người làm việc sớm từ trước 20 tuổi cũng cho rằng việc dự luật cải cách hưu trí bắt buộc họ phải đóng đủ 44 năm thuế mới được hưởng trọn lương hưu là bất công vì họ đã tham gia vào thị trường lao động sớm hơn nên cần được giảm năm đóng thuế xuống còn 43 năm, tức được về hưu sớm hơn.
Tiếp theo còn có các tranh cãi xung quanh tỷ lệ sử dụng bắt buộc lao động lớn tuổi trong các doanh nghiệp. Nhìn chung thì đây đang là các vướng mắc lớn nhất. Cuối cùng, một số đảng phái còn yêu cầu chính phủ Pháp chấp nhận điều khoản “xem lại”, tức nếu cải cách hưu trí được thông qua thì trong 5 năm tới chính phủ Pháp phải cam kết sẽ xem xét, đánh giá lại toàn bộ hiệu quả, tác động của cải cách này và phải chấp nhận sửa đổi hoặc huỷ bỏ nếu cải cách này mang lại các tác động tiêu cực. Đây là điều mà chính phủ Pháp cũng không chấp nhận.
Vì sao chính phủ Pháp theo đuổi dự luật cải cách hưu trí?
Kể từ khi dự luật cải cách hưu trí được Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne công bố từ hôm 11/1, các tầng lớp xã hội và giới chính trị Pháp đã có những phản đối rất gay gắt, trong đó có cuộc đình công lớn hôm 19/1 và tiếp theo là cuộc đình công trên toàn nước Pháp trong ngày hôm nay.
Dự luật cải cách hưu trí vốn là một trong những chính sách cải tổ tham vọng nhất được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nung nấu ý định thực thi ngay trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình. Tuy nhiên, cuộc bạo loạn Áo vàng cuối năm 2018, tiếp đến là đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine đã khiến ông Macron không có đủ uy tín, nguồn lực cũng như vốn liếng chính trị để thúc đẩy cải cách này. Chính vì thế, chỉ vài tháng sau khi tái cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 vào tháng 4/2022, ông Macron đã tuyên bố hồi sinh cải cách hưu trí, kiên quyết thực hiện bằng được cải cách này trong nhiệm kỳ cuối làm Tổng thống Pháp.
Có nhiều lí do được chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra nhằm bảo vệ cho việc theo đuổi đến cùng dự luật cải cách hưu trí. Lí do đầu tiên, và quan trọng nhất, được chính ông Macron nhiều lần công bố, đó là để cứu hệ thống hưu trí của Pháp khỏi sụp đổ trước gánh nặng tài chính quá lớn. Trước hết cần phải hiểu một cách tổng thể về hệ thống hưu trí tại Pháp như sau: Tại Pháp, tiền lương hưu của những người về hưu được trả bởi khoản đóng góp (bắt buộc) của những người đang làm việc. Những người đang làm việc phải đóng các khoản tiền này vào một quỹ chung và quỹ đó dùng chi trả lương hưu cho những người về hưu. Nói cách khác, số tiền lương hưu mà một người về hưu tại Pháp được hưởng sẽ được tính trên thời gian làm việc (tính theo đơn vị quý) cùng một số yếu tố khác và sẽ được trả bằng “quỹ chung” đó chứ không phải bằng chính số tiền mà người đó đóng trong thời gian đang làm việc.
Tổng thống Pháp Macron cho rằng hệ thống lương hưu theo cơ chế phân phối như hiện nay của Pháp sẽ không thể đứng vững lâu dài bởi tuổi thọ của công dân Pháp ngày càng cao, tỷ lệ người đang lao động với người nghỉ hưu ngày càng thấp, tức là số người đang làm việc ít đi và số người nghỉ hưu nhiều hơn. Từ nhiều năm nay, chính phủ Pháp luôn phải bù đắp hàng tỷ euro mỗi năm cho quỹ lương hưu nên theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire, nếu không cải cách hệ thống hưu trí, đến năm 2030, quỹ hưu trí Pháp sẽ thâm hụt khoảng 13,5 tỷ euro và lâu dài sẽ sụp đổ.
Ngược lại, nếu thực hiện cải cách hưu trí, Pháp sẽ thu về thêm khoảng 17,7 tỷ euro vào năm 2030. Do đó, đối với chính quyền của ông Macron, cải cách hưu trí được xem là một bài toán kinh tế sống còn. Ngoài nguyên nhân đó, chính phủ Pháp cũng đưa ra một loạt các lí do khác, đó là cải cách hưu trí sẽ đem lại các chế độ hưu trí công bằng hơn cho các công dân, giúp xây dựng được một mức lương hưu tối thiểu bằng 85% mức lương tối thiểu – SMIC hiện nay, tức khoảng 1.200 euro trước thuế. Chính phủ Pháp cũng cho rằng hầu hết các nước châu Âu láng giềng của Pháp đều đã nâng tuổi nghỉ hưu nên Pháp không có lí do gì không thực hiện cải cách tương tự, trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn. Cuối cùng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có thể có một lí do cá nhân khác, đó là nếu thực hiện thành công cải cách hưu trí, đó sẽ là di sản chính trị quan trọng nhất trong sự nghiệp Tổng thống của ông Macron.
Khả năng thỏa hiệp
Hai ngày trước cuộc đình công lớn thứ hai của các công đoàn Pháp, Thủ tướng Elisabeth Borne đã khẳng định một số thay đổi trong dự luật cải cách hưu trí là “không thể thương lượng”.
Để dự luật cải cách hưu trí được thông qua tại Quốc hội Pháp thì chính phủ Pháp cần sự ủng hộ của ít nhất 289 nghị sĩ Quốc hội Pháp. Nòng cốt trong khối ủng hộ chính phủ Pháp là 250 nghị sĩ thuộc 3 nhóm đảng “Phục hưng” của Tổng thống Macron cùng hai đảng Phong trào Dân chủ - MoDem là “Chân trời” (Horizons) vốn là đồng minh của chính phủ cầm quyền. Tiếp đến, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cũng hy vọng nhận được sự ủng hộ của đa số trong nhóm 62 nghị sĩ của đảng cánh hữu “Những người Cộng hoà” (LR).
Các tính toán này, trên lý thuyết, là đang đi đúng hướng bởi bà Elisabeth Borne đã có các thảo luận với Chủ tịch đảng “Những người Cộng hoà” là ông Eric Ciotti và cách đây vài tuần, ông Ciotti đã tuyên bố đảng LR sẵn sàng bỏ phiếu cho dự luật cải cách hưu trí nếu chính phủ của bà Elisabeth Borne điều chỉnh một số điều trong dự luật. Trên thực tế, chính phủ của bà Borne cũng đã nhượng bộ LR bằng cách hạ tuổi về hưu từ 65 xuống 64. Do đó, trừ khi có các bất đồng quá lớn trong những ngày tới, về lý thuyết chính phủ của bà Elisabeth Borne sẽ nhận được sự ủng hộ của nhóm nghị sĩ đảng LR và đạt đủ đa số phiếu cần thiết.
Vấn đề đặt ra hiện nay là trong vài ngày qua đã xuất hiện một số ý kiến bất đồng công khai từ phía một số nghị sĩ đảng LR và thậm chí cả từ một số nghị sĩ trong liên đảng cầm quyền. Hiện tại theo báo chí Pháp, có khoảng 15 nghị sĩ thuộc liên đảng cầm quyền đã công khai cho biết sẽ không bỏ phiếu cho dự luật cải cách hưu trí trong phiên bản hiện nay, tức yêu cầu phải có các sửa đổi, đặc biệt liên quan đến chế độ hưu trí riêng cho các phụ nữ có con được về hưu sớm hơn nếu hoàn thành đủ thâm niên làm việc. Do đó, chính phủ của bà Borne cần giải quyết ổn thoả các bất đồng nội bộ này trước khi đưa dự luật ra bỏ phiếu.
Đây sẽ là mối bận tâm chính với chính phủ của bà Elisabeth Borne bởi khả năng thoả hiệp với các đảng đối lập là gần như bất khả thi. Trong trường hợp không có đủ đa số cần thiết, chính phủ Pháp cũng nhiều khả năng sẽ sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp nước Pháp để thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. Tính đến nay, chính phủ của bà Elisabeth Borne đã 10 lần dùng đến điều 49.3, bất chấp sự phản đối cũng như các đe doạ bỏ phiếu bất tín nhiệm từ các đảng đối lập. Về cơ bản, nhóm đảng cánh tả NUPES hay đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” của bà Marine Le Pen đều đã tuyên bố chống đến cùng dự luật cải cách hưu trí và sẽ làm tất cả để ngăn dự luật này được thông qua tại Quốc hội Pháp. Các đảng này cùng các công đoàn lao động đang dồn sức lực vào các phong trào phản kháng xã hội, muốn dùng sức mạnh của các cuộc biểu tình, bãi công để buộc chính phủ Pháp phải nhượng bộ, thậm chí từ bỏ dự luật cải cách hưu trí./.
Theo VOV