Cái giá của sự thanh thản

Cập nhật: 28-08-2015 | 10:17:54

Ông già gọi người rơi ví để trả lại không chút đắn đo

Hồi tháng 4, clip thực tế “rơi ví ở Việt Nam” có một cái kết cho ta cảm giác thanh thản. Trong khi một số người “nhìn mặt tưởng tử tế” nhanh chóng nhét vội chiếc ví của người khác vào túi mình thì một ông lão vé số già cả, tàn tật, di chuyển và kiếm sống trên đôi ghế nhựa thay chân, đã không chút đắn đo gọi người rơi ví để trả lại. Không hề biết mình đang lọt vào ống kính camera, ông nói bình thản về việc trả lại của rơi: “Không có đổi đời được đâu con. Đừng làm vậy. Cái đó của người ta. Tội nghiệp người ta mà”.

Thật là thanh thản. Chỉ từ một điều bình thường nhất mà bất cứ đứa trẻ lên 5 nào cũng được dạy: Nhặt được của rơi trả cho người mất.

Không biết những người khác sẽ cảm thấy thế nào khi hành động xấu xí, tưởng không ai thấy của mình lọt vào một chiếc “camera giấu kín”. Sự tàn tật, hóa ra không phải là ở đôi chân, con mắt, mà là ở màu xám trong tâm hồn!

Hôm qua, tôi đọc trên mạng xã hội một dòng trạng thái tìm người rớt tiền. Số tiền không nhỏ. Bên trong có kèm theo một mẩu giấy ghi nội dung việc số tiền sẽ được sử dụng.

Số tiền đó đủ để mua một chiếc xe đẹp mà vênh mặt với đời. Có thể! Số tiền đó có thể đủ cho vài chầu "dô dô", hoặc vài chiếc điện thoại thời thượng. Có thể! Và thậm chí là đổi đời! Tiêu bằng mồ hôi nước mắt người khác chắc cũng khoái, chắc cũng… thanh thản. Thanh thản cho đến ngày chính mình trở thành nạn nhân của “sự thanh thản của người khác”. Cho đến ngày vỗ tay lên trán nghĩ đến đoạn trường phải làm lại từ cái bằng lái xe. Cho đến ngày nguyền rủa một kẻ nào đó đã thanh thản trên mồ hôi người khác… như mình!

Tôi tin là người thanh niên tìm người rớt tiền đang rất thanh thản.

Hôm trước, bạn tôi, một biên tập viên của VOV giao thông đã viết những dòng đầy cảm xúc khi chứng kiến một người lái taxi mang đồ của khách bỏ quên đến chương trình nhờ tìm lại chủ nhân.

“Có một nhu cầu khác. Một nhu cầu ẩn sâu trong mỗi con người mà không phải ai cũng dễ dàng lý giải, bởi nó mong manh như một sợi tơ rất khó để nắm bắt. Cảm thấy vui vì việc làm của mình có thể có ích cho một ai đó” - đó là nhu cầu mà bất cứ ai cũng có trong cuộc đời này, và nó đại chúng đến nỗi người ta ngại ngần để nói ra vì e thành sáo rỗng, thậm chí bị nghi ngờ. Nhu cầu tự thấy mình là người tốt, có ích cho cuộc đời.

Tra trên youtube đi, bạn sẽ thấy sự thanh thản bên cái lý lẽ giản dị, chân thành của ông già tàn tật bán vé số. Bạn sẽ thấy những bước chân tung tăng hạnh phúc của một cô gái vừa làm một việc tốt.

Bạn tôi nói đúng, mỗi một con người bình thường đều có nhu cầu là một người tốt. Và sự thanh thản, liệu có thể mong ai mang đến nếu như không phải là chính chúng ta!

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2545
Quay lên trên