Cải tạo vườn cây ăn trái đặc sản ở Thuận An: Những hiệu quả bước đầu

Cập nhật: 25-08-2010 | 00:00:00

Vùng canh tác cây ăn trái huyện Thuận An gồm 6 xã ven sông Sài Gòn với chủ yếu là các loại đặc sản như măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon, mít tố nữ. Tuy nhiên, do số vườn cây già cỗi cộng thêm địa hình thấp, có phèn và ô nhiễm nguồn nước nên sản lượng thu nhập của người dân ngày càng thấp. Trước tình hình đó, huyện Thuận An đã xây dựng đề án phục hồi, cải tạo phát triển vườn cây ăn trái đặc sản và bước đầu đã có hiệu quả.

 Xây dựng đề án cho vườn cây

Diện tích vườn cây ăn trái của các xã ven sông Sài Gòn ở Thuận An khoảng 1.478 ha, chiếm 41,17% của cả vùng, trong đó chủ yếu tập trung ở 3 xã An Sơn, Hưng Định, Bình Nhâm, thị trấn An Thạnh và một phần của thị trấn Lái Thiêu, xã Vĩnh Phú. Quy mô diện tích vườn cây/hộ không lớn, phổ biến từ 0,1 - 0,3 ha (chiếm 45%), trên 0,6 ha (chiếm 14%). Trong 4 xã nói trên có 814 hộ và 100% đều có vườn cây ăn quả. Tuổi vườn cây lớn hơn 20 năm chiếm 83%, phần lớn là xen vườn hỗn hợp với mật độ khác nhau và cho năng suất kém do già cỗi, môi trường... Có tới 37% số vườn bị nhiễm phèn và 62% số vườn hàng năm bị ngập, bình quân ngập 2 - 3 lần/năm là phổ biến.

  Thực hiện dự án, những vườn đầu tư kỹ thuật canh tác mới cho năng suất cao hơn những vườn cây chăm sóc theo tập quán. Ảnh Quốc ChiếnTrước thực trạng này, nhằm nâng cao hiệu quả của vùng cây trái đặc sản, Phòng Kinh tế huyện Thuận An đã xây dựng dự án “Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất vườn cây ăn trái”, thực hiện trong vòng 5 năm, từ 2006-2010. Nội dung chính của dự án là đúc kết một số kỹ thuật canh tác; đưa công thức bón phân vào áp dụng một số cây trồng chủ lực của huyện, thu thập các loại bản đồ về khí hậu, hành chính đất đai, các loại số liệu về mưa, nắng, nhiệt độ và tình hình sử dụng đất; nghiên cứu đặc tính sinh học của cây làm thí nghiệm và đánh giá hiệu quả kinh tế. Theo đó, năm 2006 đã thực hiện ở 227 hộ với diện tích 45,2 ha, kinh phí hỗ trợ hơn 28 triệu đồng; năm 2007 thực hiện với diện tích 47 ha với 236 hộ, kinh phí hỗ trợ gần 30 triệu đồng...

Sau khi có Quyết định 106 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ nhằm phục hồi vườn cây ăn trái, huyện Thuận An đã có kế hoạch thực hiện hỗ trợ vật tư phân bón đối với 5 loại cây trồng đặc sản. Theo đó, trong năm 2009, đã có 695 hộ với diện tích 329 ha được hỗ trợ phân bón với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2010 sẽ có 826 hộ với diện tích hơn 291 ha thuộc 3 xã An Sơn, Hưng Định, Bình Nhâm và thị trấn An Thạnh, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng.

Hiệu quả bước đầu

Dự án nâng cao năng suất vườn cây ăn trái đặc sản bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Người nông dân đã tiếp cận được kỹ thuật, biết áp dụng đầu tư phù hợp trên đất của mình, sử dụng phân hữu cơ, chất kích thích ra hoa, đầu tư phân bón phù hợp, đúng liều lượng và đúng giai đoạn thời điểm. Trong giai đoạn cuối năm 2007 và đầu 2008, tình hình thời tiết diễn biến bất thường và triều cường ngập vườn cây trong thời điểm cây ăn trái ra lộc non, ảnh hưởng đến năng suất. Tuy vậy, ở những vườn có đầu tư kỹ thuật canh tác mới vẫn cho năng suất cao hơn những vườn cây chăm sóc theo tập quán từ 5 - 8%.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Kinh tế huyện Thuận An thì các vườn cây trái có bón phân đợt 3 thì tỷ lệ rụng trái non thấp hơn so với những nơi không bón. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu sau đợt ngập nước của những vườn cây được bón theo quy trình kỹ thuật cao hơn so với vườn cây không bón. Về hiệu quả kinh tế, khi so sánh giữa vườn cây được áp dụng khoa học kỹ thuật và vườn cây đối chứng trên diện tích 1 ha thì có các mức chênh lệch, như: cây măng cụt cho doanh thu tăng thêm 3,2 triệu đồng, cây sầu riêng tăng thêm 4,5 triệu đồng, cây bòn bon tăng 2 triệu đồng, cây dâu tăng 2,2 triệu đồng và mít tố nữ tăng thêm 3 triệu đồng.

Theo nhận xét của Phòng Kinh tế huyện Thuận An về hiệu quả kinh tế của các vườn cây được áp dụng khoa học kỹ thuật thì tỷ lệ rụng trái non thấp hơn 8,5% so với vườn cây đối chứng, tiến độ ra trái non vẫn xuất hiện đều trên vườn cây. Cùng với dự án của huyện, dự án đầu tư, cải tạo, nâng cao hiệu quả vườn cây của tỉnh đang góp phần nâng cao chất lượng vườn cây trái đặc sản của Thuận An, tăng thêm màu xanh cho vùng một thời nổi danh với du lịch vườn cây trái. Để tiếp tục nâng cao chất lượng vườn cây trái, Phòng Kinh tế huyện Thuận An cũng đưa ra các giải pháp như cải thiện nguồn nước, xử lý và kiểm soát tốt nguồn nước thải của các KCN, rác thải sinh hoạt tránh gây ô nhiễm cho vườn cây, cải thiện vùng đất trồng cây và các giải pháp kỹ thuật canh tác...

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên