Cải thiện môi trường đầu tư: “Bình Dương quyết tâm làm và đã làm quyết liệt...”

Cập nhật: 29-12-2010 | 00:00:00

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển đầu tư phía Nam, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư với phóng viên Báo Bình Dương khi nhận định về tình hình thu hút đầu tư (THĐT) nước ngoài (FDI) năm 2010 và công tác cải thiện môi trường, THĐT của Bình Dương thời gian qua. Ông Hưng cho rằng: “Trong một thời gian rất dài Bình Dương đã luôn dẫn đầu năng lực cạnh tranh về môi trường đầu tư. Điều quan trọng nhất để có được thành quả đó là tập thể lãnh đạo tỉnh cùng với các cơ quan quản lý đã quán triệt rất sâu sắc chủ trương, quyết tâm làm và làm rất quyết liệt...”.

- Năm 2010, kết quả thu hút FDI của cả nước khá khiêm tốn. Thậm chí, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết quả thu hút FDI cũng không mấy khả quan. Ông có nhận định như thế nào về khả năng thu hút FDI thời gian qua?

  Vốn FDI vào Bình Dương chuyển hướng đầu tư sản xuất công nghệ cao. Trong ảnh: Sản xất phụ tùng ô tô tại Bình Dương

- Sau 4 năm gia nhập WTO, tình hình thu hút FDI của Việt Nam nói chung có những đột biến mạnh mẽ. Năm 2008, thu hút trên 71 tỷ USD. Tuy nhiên đến năm 2009, do khủng hoảng kinh tế thế giới, thu hút FDI có giảm sút, chỉ đạt ở mức trên 21 tỷ USD. Năm 2010, tình hình kinh tế thế giới cũng chưa thực sự phục hồi, do đó thu hút FDI vào Việt Nam đến thời điểm này cũng chỉ đạt khoảng 60% so với năm 2009 mà thôi. Riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm 8 tỉnh, thành phố, trong 11 tháng của năm 2010, thu hút FDI đăng ký mới chỉ đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 44% so với vốn đăng ký mới của cả nước. Tính lũy kế từ năm 1988 đến nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu hút được 90,6 tỷ USD, chiếm 47,4% so với cả nước. Trong 10 địa phương dẫn đầu về thu hút FDI, có 4 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Ông có thể đưa ra nhận định về tình hình thu hút FDI của Bình Dương?

- Theo số liệu tôi có được, tính đến nay, lũy kế thu hút FDI của Bình Dương đã đạt trên 2.000 dự án với tổng vốn gần 14 tỷ USD. Bình Dương hiện nay đã vươn lên vị trí đứng thứ 5 trong cả nước về THĐT nước ngoài. Trong nhiều năm liền (trước 2009), Bình Dương luôn đứng ở vị trí số 1 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI). Chỉ số này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy làm căn cứ để đánh giá về khả năng, môi trường THĐT. Từ 2009, Đà Nẵng đã vượt lên trên Bình Dương về chỉ số trên. Tuy nhiên trong một thời gian khá dài, Bình Dương được đánh giá là nơi có khả năng THĐT, có môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện nhất cả.

- Sau Bình Dương, hiện nay nhiều địa phương khác cũng đưa ra những khẩu hiệu để THĐT nhưng lại chưa thành công được như Bình Dương. Theo ông, sự khác biệt của Bình Dương là gì?

- Nhiều địa phương hiện nay cũng đưa ra khẩu hiệu hô hào THĐT, nhưng sự khác biệt giữa Bình Dương và các địa phương khác là: Chủ trương này được quán triệt chặt chẽ từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh, từ  Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ngành cho đến cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo tôi sự khác biệt còn thể hiện ở chỗ, sau khi đưa ra chủ trương, khẩu hiệu, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn theo dõi sát sao để kịp thời uốn nắn, củng cố, tìm ra phương cách để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là tập thể lãnh đạo tỉnh cùng với các cơ quan quản lý đã quán triệt rất sâu sắc chủ trương, quyết tâm làm và làm cũng quyết liệt.

- Theo ông, đâu là những hạn chế trong công tác thu hút FDI của cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng?

- Tôi cho rằng, hạn chế chung trong thu hút FDI hiện nay của cả nước là cơ sở hạ tầng phát triển chưa tốt, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nhược điểm thứ hai trong THĐT là nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề của Bình Dương nói riêng. Để giải quyết vấn đề này, một số địa phương có THĐT lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đã và đang thành lập các trường dạy nghề, cao đẳng kỹ thuật để tăng cường công tác đào tạo lao động tại chỗ cung cấp cho các doanh nghiệp. Do tình hình khó khăn về nhân lực, một số địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam hiện không khuyến khích thu hút dự án đầu tư sử dụng nhiều lao động để giảm bớt áp lực nguồn lao động, quản lý lao động nhập cư và đang tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, không thông dụng lao động như trước đây nữa.

- Ông có khuyến nghị gì cho Bình Dương trong THĐT, bảo đảm phát triển bền vững?

- Hiện nay, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang là vấn đề “nóng”. Bình Dương cũng như các địa phương khác cần phải nỗ lực hết mình để không chỉ phát triển sản xuất mà phải hết sức quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Theo tôi được biết, hiện nay việc THĐT tại Bình Dương đa số là đầu tư vào trong các KCN. Theo quy định của Chính phủ, tại các KCN được thành lập theo quyết định của Thủ tướng, phải có trạm xử lý nước thải tập trung để thu gom và xử lý chất thải... Tôi nghĩ Bình Dương cũng phải quán triệt sâu sắc vấn đề này, nếu doanh nghiệp không làm tốt thì phải có những chế tài, biện pháp ngưng sản xuất. Hiện nay, các KCN của Bình Dương như: Việt Nam - Singapore, Sóng Thần, Mỹ Phước... tình hình chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường được thực hiện khá tốt. Tốt rồi thì cần phải làm tốt hơn nữa.

- Xin cám ơn ông!

THÀNH SƠN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên