Cải thiện môi trường đầu tư, phát huy lợi thế cạnh tranh

Cập nhật: 30-01-2024 | 08:09:36

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Ngay sau đó UBND tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết với yêu cầu đặt ra là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phát triển các ý tưởng mới, sáng tạo, cải cách thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp (DN)...

 Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe kiến nghị của DN nhằm tìm giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

 Tạo niềm tin và động lực

Chỉ sau 1 năm được gộp vào Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế - xã hội, đến năm nay, Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh lại được tách riêng. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ về việc cải thiện môi trường kinh doanh, cộng đồng DN rất kỳ vọng và tăng niềm tin.

Theo các chuyên gia và DN, việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực chất, đơn giản hóa thủ tục hành chính là cần thiết, thu hút mạnh vốn đầu tư, tạo thêm niềm tin và động lực để các DN tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bà Priyamvada Srivastava, Tổng Giám đốc Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) Việt Nam, cho rằng với các nhà đầu tư cũng như các DN nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam, môi trường kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng để quyết định tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô. Lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần, nâng cao trình độ của lực lượng lao động.

Từ nửa cuối năm 2022 và kéo dài sang tới năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn. Không chỉ những rủi ro do các yếu tố bên ngoài, DN còn phải đối mặt với những bất cập nội tại trong nước, khiến chi phí kinh doanh cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có những bất cập, rào cản về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. UBND tỉnh đã nhiều lần đề xuất Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn. Ngoài những buổi đối thoại trực tiếp với DN, những chuyến thực địa đến các dự án đang được triển khai, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư hiện hữu, với mục tiêu là tháo gỡ, sớm đưa các dự án vào hoạt động.

Đáng chú ý, ngay sau khi Tập đoàn Lego quyết định đầu tư vào Bình Dương, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành đã tập trung hết sức để hỗ trợ triển khai các thủ tục xây dựng, đưa nhà máy vào hoạt động theo đúng tiến độ. Theo ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam, dù trong quá trình xây dựng nhà máy có một số giai đoạn bị chậm trễ do những thay đổi trong Luật Xây dựng, nhưng công ty khá may mắn khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm dự án tiến hành đúng thời hạn.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Để tiếp tục là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư và DN, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh, thu hút mạnh dòng vốn FDI. UBND tỉnh xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương quyết tâm để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn, thích ứng linh hoạt, phù hợp với những xu thế phát triển mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết năm 2023, vượt qua tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực, thu hút đầu tư của Bình Dương cả trong và ngoài nước đều đạt những kết quả tích cực, nhiều nhà đầu tư lớn vẫn tự tin rót thêm vốn. Thành quả này đã cho thấy những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ cùng những cách làm mới, quyết liệt của tỉnh trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đi đúng hướng, được cộng đồng DN, các nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao.

Bình Dương đang nỗ lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu cụm công nghiệp, thiết kế lại không gian phát triển, thu hút FDI chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với những mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ mới. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đồng hành, hỗ trợ DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bình Dương đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Trong giai đoạn hiện nay, khi DN vẫn đang trải qua khó khăn lớn do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới và dự báo tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, với những giải pháp cụ thể, tỉnh vẫn đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách của Trung ương và địa phương để đồng hành, hỗ trợ DN. Trong chương trình phát triển KT-XH năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Cộng đồng DN mong muốn cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, về cơ chế tiếp cận đất đai, những thông tin minh bạch, thuận lợi để người dân và DN dễ dàng tiếp cận và phát triển. Tạo niềm tin vững chắc để thu hút đầu tư luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tạo điều kiện cho DN phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng chính là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=395
Quay lên trên