Một kết quả khảo sát khiến những người có thẩm quyền suy nghĩ: 67,3% công nhân lao động (CNLĐ) cho rằng mức thu nhập hiện tại là quá thấp và thấp; 29,5% cho là mức trung bình; chỉ có 3,5% đánh giá là mức thu nhập đủ sống. Sau khi trừ các khoản chi phí như nhà trọ, nuôi con, ăn uống... 76,6% số CNLĐ không còn tiền để tiết kiệm, 11,9% còn lại dưới 500.000 đồng và chỉ có 0,2% là tích lũy trên 1 triệu đồng/tháng. Mặc dù Nhà nước có điều chỉnh tăng lương nhưng chẳng thấm gì với mức tăng của giá cả hàng ngày.
Tiền lương tăng chậm nên chưa bảo đảm cuộc sống cho người lao động
Ông Lê Nho Lượng, Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, cho biết công đoàn vừa khảo sát trong 500 CNLĐ ở các KCN về tình hình đời sống, thu nhập và những mong muốn của họ xoay quanh vấn đề này. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ 3,5% người lao động (NLĐ) có thu nhập đủ sống, còn lại 67,3% cho rằng mức thu nhập hiện tại là quá thấp và thấp; 29,5% cho là mức trung bình. Sau khi trừ các khoản chi phí như nhà trọ, nuôi con, ăn uống... 76,6% số CNLĐ không còn tiền để tiết kiệm, 11,9% còn lại dưới 500.000 đồng và chỉ có 0,2% là tích lũy trên 1 triệu đồng/tháng. Thu nhập (tính cả lương cơ bản, phụ cấp, tăng ca) thì vẫn thấp, cụ thể có 76,8% CNLĐ từ 2 - 3 triệu đồng/tháng; chỉ 4,5% thu nhập trên 4 triệu đồng. Trong khi đó, thời gian làm thêm quá nhiều. 66% CNLĐ làm thêm dưới 50 giờ/tháng, 31% CNLĐ làm thêm từ 50 - 100 giờ/tháng và 2,9% làm trên 100 giờ/tháng. Hầu hết CLNĐ đều không muốn làm thêm giờ nhưng do nhu cầu cuộc sống họ phải tăng ca...
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Văn Dắt, Chủ tịch Công đoàn các KCN huyện Bến Cát, cũng cho biết mặc dù nhiều chủ doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng mức lương cơ bản, tăng tiền trợ cấp... nhưng đời sống CNLĐ vẫn gặp khó khăn. Ngoài nguyên nhân giá cả các mặt hàng thiết yếu gia tăng từng ngày, nhiều trường hợp còn “té nước theo mưa”. Điển hình nhiều chủ nhà trọ hễ nghe CNLĐ được điều chỉnh tăng lương thì y như rằng họ tăng giá nhà trọ, rồi tiền điện, nước đều tăng. Những người có con đi nhà trẻ thì còn thêm một gánh nặng, đó là tăng giá giữ trẻ. Qua khảo sát được biết 6 tháng đầu năm, tiền nhà trọ đã tăng từ 10 - 20%. Nếu đầu năm, giá phòng trọ dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/phòng thì đến giữa năm đã tăng lên 500.000 - 600.000 đồng/phòng, thậm chí có nơi 700.000 - 800.000 đồng/phòng. CNLĐ còn phải oằn lưng trả tiền điện 3.000 - 4.000 đồng/kWh, trong khi giá ký hợp đồng với điện lực chỉ khoảng 1.250 đồng/kWh.
Chia sẻ vấn đề này, anh Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PenkoVina (Bến Cát) - nơi có hơn 4.000 CNLĐ đang làm việc nói: “Đời sống CNLĐ đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá cả các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm... tăng vùn vụt. Kéo theo đó là tiền điện, nhà trọ tăng đến chóng mặt. Trong khi đó, tiền lương của CN tăng rất chậm, tăng lương không theo kịp tăng giá”. Chị Phạm Hồng Thương, công nhân Công ty TNHH Chinphong VN (Bến Cát), nói thêm lương CN quá thấp so với giá cả. Ngày trước, nếu biết chi tiêu hợp lý, CN có thể để dành dụm được 5 phân vàng 24K/tháng, thì nay tiền nhà trọ, ăn uống đã chiếm hơn một nửa số tiền lương. Đó là chưa tính các khoản chi phí khác như cưới hỏi, sinh nhật...
Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết tiền lương đã được doanh nghiệp áp dụng theo quy định của Nhà nước. Thế nhưng, giá cả liên tục tăng nên tiền lương chưa bảo đảm đời sống NLĐ, trong khi CNLĐ không được hưởng lợi ích gì từ việc tăng lương.
Để cải thiện đời sống cho NLĐ, nhiều giải pháp đặt ra như: Cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng vận động chủ nhà trọ đưa ra giá nhà trọ hợp lý với đời sống CNLĐ; xây dựng siêu thị công đoàn để CNLĐ được mua hàng giá rẻ hơn so với thị trường; nên chăng doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhà giữ trẻ cho CNLĐ... Đồng thời với những giải pháp này, giải pháp cần thiết là chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương nên tập hợp các chủ nhà trọ và vận động họ không tăng giá từ giá thuê nhà đến điện sinh hoạt để cùng chia sẻ với CNLĐ, giúp họ vượt qua khó khăn, an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với quê hương Bình Dương.
THU THẢO