Cảm động “cựu F0” chăm sóc bệnh nhân Covid-19

Cập nhật: 16-09-2021 | 15:59:46

(BDO) “Để giải tỏa bớt nỗi nhớ nhà, em chỉ mong đến ca trực để được gặp bệnh nhân, được chăm sóc và theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhân thế nào. Mỗi diễn biến tiến triển của sức khỏe bệnh nhân tốt lên, lòng em cảm thấy nhẹ nhàng hơn; còn mỗi khi thấy sức khỏe của bệnh nhân nặng hơn lòng lại nặng trĩu nỗi buồn”, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Nhâm, đang làm việc tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 Bình Dương, tâm sự.

Không chùn bước

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, diễn biến phức tạp và khó lường ở một số tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Bình Dương; cũng như các y, bác sĩ và nhân viên y tế khác tình nguyện xung phong chi viện cho tuyến đầu chống dịch, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Nhâm, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội), tình nguyện vào tỉnh Bình Dương tham gia chống dịch.


Chị Nhâm chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 Bình Dương 
(ảnh do nhân vật cung cấp)

Hiện chị làm việc tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 Bình Dương (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Thuận An), chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch hoặc có bệnh nền phức tạp (tầng 3). Tại đây, có nhiều bệnh nhân phải thở máy, một số bệnh nhân thở oxy liều cao, số ít thở oxy qua mặt nạ. 

Môi trường làm việc ở đây có mật độ vi rút SARS-CoV- 2 đậm đặc nên khả năng lây nhiễm cho y, bác sĩ và nhân viên y làm việc rất cao. Chị Nhâm cho biết, với kinh nghiệm công tác lâu năm nên chị đã quen với cường độ làm việc căng thẳng. Dù vậy, lên tuyến đầu chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng và nguy kịch mới nhận thấy dịch bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Do vậy, các y, bác sĩ cùng nhân viên y tế làm việc ở đây, ngoài việc được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ còn phải tuân thủ rất nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch để không bị lây chéo; đồng thời phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ trong tuần.  

Tuy vậy, làm việc trong môi trường có nồng độ vi rút đậm đặc cũng khó tránh khỏi được việc bị lây nhiễm. Chị Nhâm chia sẻ, cách đây chưa lâu, sau khi thực hiện kiểm tra sức khỏe theo định kỳ, nhận được kết quả nhiễm Covid-19 chị rất buồn. Buồn vì bị nhiễm bệnh thì ít, mà buồn nhất là chị vừa tham gia cuộc chiến chống dịch nơi tuyến đầu chưa cống hiến được nhiều thì đã bị nhiễm bệnh. 

Với sự động viên từ gia đình, người thân, đồng nghiệp, đặc biệt là những lời động viên từ  thầy Nguyễn Lân Hiếu (Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội, Giám đốc phụ trách y tế Bệnh viện dã chiến Bình Dương), đã tiếp thêm nghị lực để chị vượt qua bệnh tật và tiếp tục ở lại làm việc. 

Từ sự động viên của người thân, người thầy, đồng nghiệp, cùng với nghị lực chiến thắng bệnh tật, sức khỏe của chị Nhâm đã nhanh chóng hồi phục và khỏi bệnh.

Tận tâm với bệnh nhân

Chị Nhâm tâm tình: “Khi biết mình nhiễm Covid-19, theo nguyên tắc tôi sẽ được rút ra ngoài để theo dõi và điều trị. Nhưng tôi nhận thấy sức khỏe vẫn ổn, có lẽ chỉ ở mức độ nhẹ nên bản thân vừa điều trị vừa tranh thủ hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc các bệnh nhân nặng và nguy kịch khác. 

Sau khi được điều trị và khỏi bệnh, tôi xin ở lại Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 Bình Dương để tiếp tục cùng với đồng nghiệp chăm sóc các bệnh nhân nặng và nguy kịch  khác”. 

Với kinh nghiệm làm điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, giờ đây có thêm kinh nghiệm từ bản thân từng là F0, đã trải qua các bước điều trị nên chị Nhâm nắm rõ hơn những quy trình chăm sóc cho bệnh nhân khác được tốt hơn, đồng thời góp phần chia sẻ áp lực công việc với đồng nghiệp để sớm đẩy lùi dịch bệnh. 

Bệnh nhân điều trị ở Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 Bình Dương là những trường hợp nặng và nguy kịch, do mức độ lây nhiễm cao nên người nhà các bệnh nhân không được đi theo để chăm sóc. Do vậy, mọi công việc chăm sóc bệnh nhân ở đây đều do các điều dưỡng đảm nhiệm.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, công việc của các điều dưỡng ở đây rất vất vả, chỉ cần sơ suất nhỏ trong vận hành máy thở, theo dõi nồng độ bão hòa ô xy trong máu… là ảnh hưởng ngay đến tính mạng bệnh nhân. Do vậy, từ việc làm theo chỉ định của bác sĩ, hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, trực tiếp thay băng, đóng bỉm tã, hút đờm dãi, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh, các điều dưỡng đi lại như con thoi giữa các giường hồi sức tích cực. Họ còn phải theo dõi từng chỉ số sinh tồn bệnh nhân trên máy monitor, kiểm tra từng ống thở, tai ghé sát để nghe rõ lời bệnh nhân muốn nói. 

Tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 Bình Dương, các y, bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ theo ca trực luân phiên, mỗi ca trực có thời gian 8 giờ đồng hồ. 

"Những bệnh nhân nặng khi phải thở máy ô xy liều cao nhiều ngày, lúc tỉnh lại họ sẽ có cảm giác như không phải là chính mình, tay chỉ muốn rút ống thở. Do vậy, ngoài việc vừa theo dõi sát sao mọi cử động của bệnh nhân, vừa động viên hướng suy nghĩ tới những điều tích cực giúp họ yên tâm điều trị, nhanh chóng phục hồi sức khỏe", chị Nhâm chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, các y, bác sĩ ở đây làm việc liên tục suốt 8 giờ đồng hồ phải mặc bộ độ bảo hộ kín mít từ trên đầu xuống dưới chân, có nhiều trường hợp điều dưỡng chưa quen đã bị ngất xỉu, được chuyển qua chăm sóc ở phòng điều trị bệnh nhân nhẹ tạm thời. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng những "thiên thần áo trắng" ở đây luôn thể hiện tinh thần: "Không ngại khó, ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân mà cố gắng. Mỗi người cố gắng thêm một chút để sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới”.

Chị Nhâm chia sẻ, thời gian công tác nơi tuyến đầu chống dịch, có nhiều điều chị nghĩ có sẽ không bao giờ gặp lại trong sự nghiệp của mình nữa, đó là: Thực hiện những quy trình kỹ thuật ngắn nhất, nhanh nhất để kịp thời giành giật sự sống cho bệnh  nhân khỏi "lưỡi hái thần chết".

Công tác cùng những đồng nghiệp thuộc 3 miền khác nhau,  đủ các giọng nói, nhiều từ ngữ địa phương nghe lâu rồi quen. Thương bệnh nhân không có ai chăm sóc, động viên, ngoài những nhân viên y tế xa lạ, mà đến khi bệnh nhân ra viện cũng không  biết mặt nhân viên, chỉ nhìn thấy ánh mắt. Thương những bệnh nhân không vượt qua được đã ra đi không có ai là người thân; ra đi lạnh lẽo, cô đơn. 

Thấy được cuộc sống vô thường: Khi ta khỏe mạnh thì nhu cầu tình cảm, ăn chơi… nhưng khi mắc Covid-19 nặng thì nhu cầu cơ bản không phải là ăn nữa, mà là nhu cầu được thở bình thường.

Đỗ Trọng

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên