Cam go cuộc chiến với HIV/AIDS

Cập nhật: 13-09-2011 | 00:00:00

Gục ngã trước nàng tiên nâu

Trong tổng số người có H., đối tượng nghiện chích ma túy chiếm tỷ lệ cao nhất 61,5%. Điểm khởi đầu của đối tượng này khác nhau: vào đời sớm, buồn gia đình, ham vui, thử cho biết... Song tất cả đều có điểm chung là đã nghiện rồi, thì trượt dài trên hố sâu tội lỗi. Em Nguyễn Hoàng T. đang bị giam giữ ở trại giam Bố Lá nói: “Từ bé em đã tự kiếm sống, cướp giật, hút chích. Em ra vào trại giam như cơm bữa. Nghe lời cán bộ, người thân, em cai nghiện hoài. Nhưng không được. Cứ ra gặp bạn bè là chích lại. Em bị bệnh AIDS, sắp chết, đau đớn và hối hận”.

 

Các em bé bị phơi nhiễm vẫn đang được học tập, hòa nhập cộng đồng không hề có sự phân biệt, kỳ thị

Em Nguyễn Văn D. ở trại giam Bến Lớn, quê Dĩ An tâm sự: “Em bỏ học, đi bụi đời do gia đình đổ vỡ. Em nghiện, liều chích càng ngày càng cao. Không đủ tiền chích, em trộm cắp. Rồi bán heroin. Qua xét nghiệm trong trại giam, em biết mình bị lây nhiễm. Đau lòng nhất là con em cũng nhiễm. Em cũng không biết em đã lây cho bao nhiêu người. Em quan hệ tình dục và chích chung kim tiêm rất nhiều người. Nhìn mẹ hàng tháng lặn lội thăm nuôi, thương mẹ lắm. Nếu có thể làm lại từ đầu, em sẽ không thử thuốc”.

Qua gặp các em, em nào cũng hối hận, nhưng không thể cai nghiện, “cũng liều nhắm mắt đưa chân”. Đến phút cuối, để lại nỗi đau tột cùng cho người đã sinh ra các em. Bà Lê Thị N. ở Tân Đông Hiệp, Dĩ An, nhìn lên tấm ảnh con trai, C., vừa mất vì AIDS, nước mắt lưng tròng: “Nó vẫn sửa xe kiếm tiền đến lúc nằm liệt giường. Trước lúc mất, nó trăn trối: “Con bất hiếu, không thể phụng dưỡng mẹ, mà còn bắt mẹ phải chăm sóc con. Vừa cực khổ, vừa bị xóm làng kỳ thị, khinh rẻ. Ước gì ngày đó con không chích cái thứ thuốc độc hại đó”! Tôi cũng hối hận vì không biết cách dạy con!”.

Những phút lạc lòng

Tuy chiếm tỷ lệ thấp hơn, 38% là các đối tượng lây nhiễm qua đường tình dục, mại dâm. Song bi kịch “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” hiện đang khá phổ biến. Đó là hai gương mặt ở hai thái cực: bồ nhí và vợ. Để chiêm ngưỡng dung nhan “bồ nhí” tôi đến một quán nhỏ ở ngã ba Đông Tân, Dĩ An. Một “điểm hẹn” có tiếng của các đức lang quân. Nơi các “em” ăn, cà phê sáng và báo chiến tích mới. Em nào cũng tắm trắng trắng muốt. Chăm chút đến từng centimet. Và cái chính là em nào cũng phơi phới. Cơn khủng hoảng kinh tế, tài chính, hay cơn sốt vàng xem ra không ảnh hưởng gì đến việc “làm ăn” của các em: “Ông mới bán đất cho tao 4.000 đô bơm ngực, mà muốn sờ là dán một tờ 500.000 đồng”. Cô khác: “Mới sáng tôi đã “ăn” hết 6 “trái chuối”. Mấy ổng bo sộp lắm. Tao mới mua dây chuyền bạch kim 7 triệu nè”. “Tao chi cho cò mồi sộp, chỉ cần giới thiệu 1 ông mới bán đất là bo 1 triệu. Nên triệu phú “đất” nào cũng không thoát khỏi tay tao”...

 

Xét nghiệm HIV/AIDS tại Trung tâm

Phòng chống HIV/AIDS Bình Dương

 

Còn muốn gặp “vợ” thì mọi lúc, mọi nơi. Dĩ nhiên là gương mặt các bà vợ hằn đầy nếp nhăn vì tuổi tác. Chị Út L. vợ một phó tổng giám đốc một công ty lớn ở Dĩ An. Chồng chị với lý do chính đáng “tiếp khách”, ngày nào cũng say và không bỏ qua “tăng” nào. Nên tuy giữ uy tín cho anh, để cho mái ấm không đổ vỡ, chứ khi quan hệ với chồng, chị vẫn yêu cầu anh mang bao cao su để phòng ngừa bệnh. Chị nói nhỏ với tôi. Đàn ông dễ chết vì gái trẻ, đẹp. Rồi lại kéo theo cả mình, mới oan!”.

Bà Lê Thị H. vợ doanh nhân Ngô Quang C. lẫy lừng một thời ở Dĩ An, khóc than với tôi: “Ổng thuyết phục tôi hơn 70 tuổi rồi có bồ trẻ chỉ là để cho vui. Nào ngờ nó báo có con trai. Ổng mù quáng tin, mua nhà lầu, xe hơi cho nó. Ai ngờ một lần ổng đến thấy nó đang ngủ với trai trẻ...”.

Và kết quả cho những phút lạc lòng, ngoài chồng, ngoài vợ ấy là tỷ lệ... vợ các ông cán bộ công chức mắc các bệnh xã hội khá cao: 1.097 người. Bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm phòng chống (TTPC) HIV/AIDS Bình Dương cho biết: “Đây chỉ là con số chúng tôi nắm lại từ phòng khám bệnh lây truyền qua đường tình dục (BLTQĐTD) của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Quản lý bệnh xã hội của tỉnh. Hoạt động giám sát HIV ở những người mắc các BLTQĐTD tại các cơ sở y tế Nhà nước rất khó khăn. Vì các ông thường đi khám tư nhân hoặc đi TP.HCM để trị bệnh. Nên không thể triển khai giám sát trọng điểm để xét nghiệm HIV ở đối tượng này”. Đây cũng là phần chìm “tế nhị” của tảng băng HIV/AIDS!

Buông xuôi trước người thương yêu

Chúng tôi đã tìm đến các đầu mối để biết tường tận về các nạn nhân ở các giai đoạn: lây nhiễm HIV/AIDS, chuyển sang bệnh AIDS, cũng như lúc kết thúc cuộc đời. Tại TTPC HIV/AIDS tôi gặp Nguyễn Thị L. , đang làm công nhân ở Dĩ An. Tôi đau thắt lòng vì em cũng bé nhỏ, thơ ngây như con gái tôi. Tôi rất ngạc nhiên vì sự bình tĩnh đến mức lạ thường của em, khi nghe chồng em bảo máu em có vấn đề, cũng như khi cầm kết quả dương tính trên tay. Khi tôi hỏi khéo, em cho biết: “Em yêu chồng. Em không giận ảnh, dù ảnh không báo cho em biết ảnh có H. Giờ lỡ rồi, phải dựa vào nhau mà sống. Em cần có người lo cho em và con khi em sinh. Và ảnh cũng cần em chăm sóc”.

Tại phòng khám ngoại trú HIV/AIDS ở BVĐK Bình Dương, Lê Minh T. bồng trên tay đứa con trai 2 tháng tuổi đang được chương trình LIFE GAP điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, cấp phát sữa hàng tháng, tâm sự: “Mãi đến khi vợ đi sinh con, mới phát hiện có H. là do người yêu trước lây bệnh. Em chưa bị lây nhiễm. Nhưng chắc rồi cũng sẽ bị thôi!”. Tôi hỏi sao trước khi ở với nhau không xét nghiệm, em cho biết: “Yêu mà chị!”.

Tại khoa nhiễm, BVĐK Bình Dương, Loan A. nhà ở Tân Uyên, gầy rộc, thoi thóp, vẫn không trách chồng một tiếng, còn nở nụ cười sáng bừng trên gương mặt héo hắt: “2 đứa con trai em may mắn không bị lây nhiễm...”.

Tỷ lệ lây nhiễm tăng theo sự mù quáng

Tuy tỷ suất nhiễm HIV của tỉnh Bình Dương vẫn còn thấp so với cả nước (214/100.000 dân), song những cái chết vì mù quáng, vì thiếu hiểu biết, để sa ngã vào con đường nghiện ngập, mại dâm này ngày càng gia tăng. Đáng thương nhất là những người phơi nhiễm. Tuy họ không truy cứu, nhưng những người đã cố tình giấu bệnh, cố ý lây nhiễm bệnh cho họ thì khó được tha thứ cả về lý và tình. Họ đáng bị truy tố trước pháp luật. Còn về tình, tội họ càng nặng hơn. Do ích kỷ, chỉ vì muốn có vợ, chồng (tôi không biết là tình yêu hay tình dục), họ đã giết hại đời người yêu và cả những đứa con từ trong trứng nước. Chúng tôi không cầm được nước mắt khi nhìn các bé thơ bị phơi nhiễm từ cha mẹ. Hiện Bình Dương đang có 71 thai phụ có H. Và đã có 34 trẻ em dưới 16 tuổi bị phơi nhiễm.

Cử nhân Đỗ Hữu Lợi, người từng ngày ngồi tại khoa tư vấn TTPC HIV/AIDS, tâm sự: “Tuy công tác phòng chống HIV đã được xã hội hóa cao. Công tác truyền thông ngày càng sâu rộng trong cộng đồng song bệnh vẫn gia tăng đáng lo ngại, ngay cả ở các đối tượng nguy cơ thấp: thai phụ, thanh niên khám nghĩa vụ quân sự... Chứng tỏ từng cá nhân vẫn chưa có trách nhiệm bảo vệ mình. Chúng tôi vẫn luôn cố gắng và mong mọi người đừng buông tay, mà hãy tích cực hợp tác với chúng tôi...”.

Ngành y tế vẫn đang tích cực phòng chống HIV/AIDS. Nhưng mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm với chính cuộc đời, hạnh phúc của mình. Chúng ta hãy kiểm soát hành vi, tình cảm của mình. Hãy nói không với ma túy, gái mại dâm. Và hãy giữ chặt vợ, chồng mình trong vòng tay. Đừng vì một phút lạc lòng, mà bỏ rơi cuộc đời của chính mình. Vì mọi cố gắng sau đó đều là những biện pháp tình thế, muộn màng. Mà cái giá phải trả là cả cuộc đời mình. Và còn hơn thế nữa, là ta có thể trở thành một sát thủ máu lạnh, giết chết những người mình yêu thương.

B.A

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=365
Quay lên trên