Vậy là cuối cùng phán quyết về số tiền 2,3 tỷ USD của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cũng đã được tòa án tối cao đưa ra ngày hôm qua (26-2). Hãy xem phản ứng của những người trong và ngoài cuộc như thế nào.
Những người ủng hộ Thaksin sau khi nghe tòa tuyên án
Thaksin Shinawatra
Cựu thủ tướng Thái Lan đã phát biểu trong một đoạn băng video khi đang lưu tại Dubai hôm qua rằng, phán quyết tịch thu hơn một nửa tài sản của ông mà tòa án đưa ra là "không công bằng", "rất mang tính chính trị" và là "trò cười cho cả thế giới".
Thaksin đã có bài phát biểu với những ngôn từ như vậy sau khi Tòa án tối cao Thái Lan tịch thu 1,4 tỷ USD trong số tài sản bị phong tỏa ngay sau khi ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.
Trước đó, ông đã nói rằng ông sẽ đưa ra phản ứng từ nơi ông đang ở tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Và sự thực, ông đã làm như vậy.
Thaksin bắt đầu nói trên đoạn video này bằng việc gửi lời xin lỗi tới gia đình. Ông nói, người vợ cũ của ông, Khunying Potjaman na Pombejra từ lâu đã nói với ông rằng họ có đủ tiền và rằng ông không cần phải tham gia chính trường nữa. Đoạn băng có đoạn: "Bài học ngày hôm nay đối với các doanh nhân là đừng bao giờ bước chân vào chính trị. Nếu có điều gì xảy ra, họ lại tịch thu tiền của bạn. Hãy để tôi là nạn nhân cuối cùng".
Sau đó ông nói, những người áo đỏ ủng hộ có thể sẽ nổi giận với phán quyết, nhưng họ sẽ hành động có suy nghĩ và tránh bạo lực.
"Luật pháp Thái vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn quốc tế.... Hãy tiếp tục đấu tranh cho tới khi chúng ta đạt được dân chủ, hãy chiến đấu một cách hòa bình", ông nói trên đoạn video được liên kết với khoảng 800 người ủng hộ tại trụ sở đảng Puea Thai (đảng Vì người Thái).
Ông cũng thề rằng, ông sẽ chết trong vòng 7 ngày nếu việc ông có được số tài sản đó là trái pháp luật.
Một lần nữa ông lại chỉ trích gay gắt bộ máy quan liêu, thường biết đến với tên gọi amataya, qua đoạn băng video.
"Tinh thần của tôi đang rất cao... Hôm nay là một ngày rất quan trọng và là bước ngoặt, không chỉ với gia đình tôi, mà còn cả với lịch sử tư pháp và chính trị Thái Lan nữa".
Người áo đỏ
Những người phản đối chính phủ ở Thái Lan đã "thề" sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình theo kế hoạch tại Bangkok sau khi tòa án ra phán quyết.
Quyết định không tịch thu toàn bộ tài sản của cựu thủ tướng có lẽ cũng nhằm tránh bạo lực từ những người ủng hộ Thaksin, nhưng cũng khiến không ít người phải rơi nước mắt và phong trào ủng hộ Thaksin cho biết sẽ còn tiếp tục biểu tình rầm rộ vào tháng 3.
Hàng chục người áo đỏ đã tụ tập tại trụ sở đảng đối lập, nơi họ giương cao và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cựu thủ tướng. Hàng trăm người khác tụ tập tại công viên ở trung tâm Bangkok đốt một hình nộm phòng xét xử.
Jatuporn Prompan, một lãnh đạo phong trào áo đỏ, nói sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình như đã định, bắt đầu từ ngày 12-3 tại Bangkok và từ chối quyết định "hoàn toàn không công bằng" đối với Thaksin.
Ông phát biểu: "Cuộc chiến đấu của chúng tôi sẽ còn tiếp tục. Chúng tôi chọn cách biểu tình để người ta phải cân nhắc kỹ lưỡng phán quyết và đảm bảo công bằng cho ông Thaksin".
Người "trung dung"
Cựu chỉ huy tối cao Chaisit Shinawatra nói hôm nay (27-2) rằng ông thấy tiếc cho Thaksin khi số tiền 46 triệu baht tài sản của người em họ, cựu thủ tướng lưu vong, bị tịch thu.
Tuy nhiên, ông nói, ông cũng chấp nhận quyết định này.
Tướng Chaisit nói, ông đã không nói chuyện với Thaksin vì ông không muốn làm phiền thêm cựu thủ tướng, vì ông đã đủ buồn vì phán quyết.
Khi được hỏi về tuyên bố tiếp tục đấu tranh cho tới khi ông giành lại được sự công bằng, Chaisit chỉ nói, đó là vấn đề cá nhân của Thaksin và ông không thể bình luận gì thêm.
Ông tin rằng những người áo đỏ sẽ không tiến hành biểu tình ở thời điểm hiện tại, khi tất cả họ đều bị bất ngờ sau khi tòa tuyên án.
Krongtong Phuengsang, một phụ nữ 65 tuổi nói: “Không còn sự công bằng ở Thái Lan nữa. Tôi tin, những người áo đỏ sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh. Nhưng họ sẽ không gây ra bạo lực".
Thanet Charoenmuang, giảng viên khoa học chính trị tại đại học Chiang Mai, cho rằng, ông thấy quyết định đã "làm dịu đi những quan ngại trong dân chúng và có thể dễ dàng lấy lòng của những ai đứng giữa. Nó có thể được coi là nỗ lực thỏa hiệp của các thẩm phán, những người coi hành động của Thaksin là trái pháp luật".
"Con đường tới hòa bình của xã hội Thái Lan phụ thuộc 3 yếu tố: phong trào của người áo đỏ, tình hình kinh tế và xã hội, và sự trung thực của chính phủ khi giải quyết các xung đột chính trị.
Người phản đối Thaksin
Suriyasai Katasila, lãnh đạo phong trào Liên minh nhân dân vì dân chủ, tổ chức luôn chĩa mũi nhọn phản đối Thaksin kể từ năm 2006, thì bày tỏ sự hài lòng với quyết định của tòa án.
Ông nói: "Tôi không nghĩ là số tài sản bị tịch thu đó đáng kể gì so với những hành động sai trái của Thaksin...Phán quyết đã tạo tiêu chuẩn cho các chính phủ và chính khách tương lai bởi nó cho họ thấy kết quả của việc lạm dụng quyền lực".
(Theo VNN)