Ông Phan Văn Đương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh: vCó thể xác định được danh tánh của chiến sĩ M.
Bài 1:Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh
Bài 2: Sống như anh
Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian
Bài 4: Nỗi lòng người lính già
Bài 5: Tiếng gọi từ lòng đất
Bài cuối: Ai đã gây cảnh đau lòng!
Vùng đất này vào những năm chiến tranh là cửa khẩu lớn cho toàn quân khu miền Đông, là hậu cần để cung cấp lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Căn cứ vào thời gian và những tình tiết trong nhật ký, có khả năng cô là cán bộ giáo dục dạy học cho dân ở xã. Cô là người có học thức, nhận thức về cách mạng rất cao, thấm nhuần tư tưởng cộng sản thể hiện ở việc cô luôn có ý thức nhắc nhở mình phải sống và chiến đấu xứng đáng niềm tin của Đảng, Bác Hồ, Lê-nin. Mặc dù trong quyển nhật ký chưa thấy cô nhắc đến việc lập được nhiều thành tích nhưng chỉ với ý chí và tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt như thế cũng đủ để chúng ta phải nỗ lực tìm ra danh tánh, phong tặng danh hiệu liệt sĩ, hoặc nếu cần thiết có thể phong tặng danh hiệu cao hơn.
Hội Cựu chiến binh tỉnh cũng đã nhận được đơn của ông Huỳnh Văn Sáng tố cáo về sự việc như báo Bình Dương đã nêu. Chúng tôi đang cử người đến xác minh, tìm hiểu rõ vụ việc để tìm ra danh tánh của chiến sĩ M.
Theo tôi thì việc tìm ra danh tánh của cô là hoàn toàn có thể. Nếu tính tuổi đời thì đến giờ cô khoảng độ trên 60 tuổi. Trong khi đó, các cựu chiến binh sống cùng thời hoặc lớn tuổi hơn từng công tác tại địa phương thì còn rất nhiều. Căn cứ vào các tình tiết trong nhật ký như cô là cán bộ giáo dục, các lớp tập huấn cô từng tham gia, các tình tiết ẩn nấp trong hầm... tra lại ở xã, huyện sẽ biết cô thuộc đơn vị nào, nhiệm vụ công tác, quê quán, người thân nơi đâu. Chúng ta cũng hy vọng rằng qua thông tin đại chúng, người thân của cô ở nơi nào đó sẽ đọc thấy và đến nhìn nhận thân nhân. Như vậy, chúng ta tiếp tục tiến hành truy tặng danh hiệu, quy tập mồ mả về nghĩa trang liệt sĩ chăm sóc chu đáo.
Tấm gương và tinh thần học tập, công tác cách mạng của cô là bài học về ý chí, tinh thần yêu nước và lòng trung thành với Đảng, với cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Trần Trọng Tuấn, Bí thư Đoàn trường THCS Thái Hòa (Tân Uyên): Sống cho xứng đáng công ơn của thế hệ cha anh!
Tôi đã đọc những bài viết “Kỷ vật từ lòng đất” được đăng tải trên báo Bình Dương. Cảm xúc đầu tiên của tôi là cuộc sống của những người chiến sĩ ngày ấy thật gian lao mà anh dũng quá. Họ thật đời thường nhưng suy nghĩ và hành động của họ thì phi thường. Họ biết vượt lên trên hết những nhu cầu mong muốn của đời thường, sống vì tình yêu quê hương đất nước bởi họ đi theo tiếng gọi từ trái tim mình.
Không dừng ở việc chỉ sống và định hướng chiến đấu cho bản thân, những con người ấy còn biết “truyền lửa cho nhau” cùng nhau chiến đấu vì mục đích cao đẹp, nhất là giành độc lập tự do.
Càng đọc về sau càng cảm thấy sự phi thường của những con người ấy bao la và vô tận, giúp bản thân mình soi rọi lại chính mình, chợt thấy mình thật nhỏ bé trước sự hy sinh cao cả đó.
Từ đó, mình nghĩ sống là không chờ đợi mà phải biết chấp nhận - đương đầu - vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Để sống không có nghĩa chỉ là tồn tại mà sống là phải vươn lên khẳng định bản thân, cống hiến cho quê hương đất nước dù mình ở bất kỳ vị trí nào, bởi tuổi trẻ như hoa hướng dương dù hoa có nhỏ, lớn khác nhau nhưng đều hướng về ánh mặt trời.
“Kỷ vật từ lòng đất” mình nghĩ nó sẽ là một làn gió mới thổi vào thế hệ trẻ hôm nay, giúp tuổi trẻ suy nghĩ về cách sống, để biết sống như thế nào là có ý nghĩa nhất, không phụ công lao mà cha anh đi trước đánh đổi bằng xương, máu cho cuộc sống hôm nay.
Ngọc Trinh (ghi)