Cần 410.000 tỉ đồng cho chiến lược nhà ở quốc gia

Cập nhật: 06-03-2011 | 00:00:00

Nhiều bất cập trong chính sách nhà ở VN đã được các đại biểu mổ xẻ tại hội thảo góp ý cho chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 do Bộ Xây dựng tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua.

Giá nhà bỏ xa thu nhập

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) - đánh giá, tình hình phát triển nhà ở thời gian qua đạt được một số thành tựu nhất định, thể hiện ở sự tăng trưởng diện tích nhà ở lên gấp đôi trong vòng 10 năm (từ 709 triệu m2 năm 1999 lên 1,4 tỉ m2 vào năm 2009). Tuy nhiên, ông Hà nhìn nhận, thực trạng giá nhà ở tăng cao đã gây khó khăn cho việc tạo lập chỗ ở của người dân.

 Tuy bình quân diện tích nhà ở có tăng, song thực tế có người sở hữu nhiều nhà, trong khi nhiều người nghèo không có nhà  Hiện nay, nếu xét chỉ số giá nhà/thu nhập thì ở VN cao gấp 4 - 12 lần so với các nước trên thế giới (chỉ số này ở VN từ 24,5 - 26,6, trong khi khu vực Nam Á là 6,25, Đông Á là 4,14, châu Phi là 2,21; châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ là 6,25; Mỹ Latinh và Ca-ri-bê là 2,38).

Bên cạnh đó, dù tăng được số lượng nhà ở (hiện cả nước đạt khoảng 22 triệu căn hộ), song tình trạng mất cân đối về tỷ trọng các loại nhà ở, chênh lệch về điều kiện ở của người dân ngày càng cao. Trong đó, vẫn còn hơn 7,4% nhà đơn sơ, 10,5% căn hộ diện tích dưới 30m2. Đặc biệt, số hộ gia đình có nhà chật chội dưới 15m2 hầu như không giảm trong 10 năm qua (vẫn chiếm 14%). Ngoài ra, tại nhiều đô thị vẫn còn các chung cư xây dựng trước năm 1980 đã và đang xuống cấp nghiêm trọng với điều kiện sinh hoạt kham khổ. Ở các địa phương vẫn phổ biến tình trạng nhà tự phát, xây thiếu quy hoạch, trái quy hoạch…

Một nguyên nhân quan trọng khác là nhà nước chưa có chính sách điều tiết nhằm đảm bảo thị trường nhà ở phát triển cân bằng, đặc biệt là điều tiết giá cả các phân khúc nhà ở. Đồng thời, chưa có chính sách về lập quỹ phát triển nhà ở, quỹ tín thác BĐS, quỹ đầu tư BĐS, thị trường thế chấp BĐS… nên chưa tạo được nguồn cung dồi dào về tài chính.

Tránh bình quân chủ nghĩa

Trước hàng loạt bất cập trong chính sách nhà ở, chiến lược phát triển của Bộ Xây dựng xoáy vào các nhóm giải pháp hoàn thiện về cơ chế, chính sách, quy hoạch - kiến trúc, đất đai, tài chính - tín dụng, khoa học - công nghệ… Bộ Xây dựng đưa ra nhiều đề án phát triển nhà với tổng đầu tư lên đến 410.000 tỉ đồng, nhằm mục tiêu đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân đạt 21,5m2/người và đến năm 2020 đạt 25m2/người. Sau năm 2020, xóa toàn bộ 1,6 triệu nhà tạm trên cả nước. Bộ cũng khẳng định đến năm 2030 diện tích nhà ở sẽ không còn là vấn đề bức xúc như hiện nay mà chủ yếu tập trung vào nâng cao tiện nghi, chất lượng nhà ở.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành - cho rằng, các chính sách nhà ở đưa ra cần sát thực tế, tránh nhận định lạc quan thái quá, đánh giá không đúng năng lực và thực lực, dẫn đến đưa ra chiến lược và dự báo sai.

Theo ông Đực, diện tích nhà ở hiện nay là 19,2m2/người, song thực tế đây là con số bình quân, trong đó có những người có nhiều nhà và những người không có nhà, ngay ở TP.HCM vẫn có nơi sử dụng diện tích chỉ 2m2/người. Do đó, nhà nước cần nhận thức đúng và tập trung tăng diện tích cho nhóm người nghèo và trung bình, thay vì phấn đấu tăng diện tích bình quân một cách chung chung. “Chương trình nhà ở xã hội dù được Chính phủ quan tâm nhưng chưa thấy chuyển biến mạnh mẽ. Đến thời điểm này, Hà Nội hoàn thành được 815 căn trong khi TP.HCM chỉ có 112 căn là quá ít. Bộ lại đề ra mục tiêu đến 2020 hoàn thành 600.000 nhà ở xã hội, tức 60.000 căn/năm là không khả thi” - ông Đực nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam khẳng định sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các địa phương, doanh nghiệp, người dân (sắp tới Bộ tiếp tục lấy ý kiến của Liên hiệp quốc) để hoàn thiện chiến lược phát triển nhà ở, trước khi trình Chính phủ dự kiến vào tháng 4 này. Ông Nam cho biết Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường BĐS do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm trưởng ban, để đảm bảo thực hiện tốt chiến lược phát triển nhà ở thời gian tới.

Một số đề án phát triển nhà ở đến 2015 - 2020

Đầu tư xây dựng 600.000 nhà ở xã hội, tương đương 30 triệu m2 sàn. Tổng đầu tư 180.000 tỉ đồng, trong đó 36.000 tỉ đồng vốn nhà nước, còn lại huy động của các thành phần kinh tế.

Phát triển nhà ở công nhân: Xây dựng 500.000 căn, tương đương 24 triệu m2 sàn. Tổng đầu tư 144.000 tỉ đồng, trong đó 3.600 tỉ đồng vốn nhà nước.

Cải tạo, nâng cấp nhà ở cũ: Tổng đầu tư 30.000 tỉ đồng, trong đó 1.500 tỉ đồng vốn nhà nước.

Hỗ trợ khoảng 900.000 hộ nghèo khu vực nông thôn cải tạo nhà ở: Tổng đầu tư 18.000 tỉ đồng.

Đầu tư nhà ở cho sinh viên: xây dựng 7,5 triệu m2 sàn. Tổng đầu tư 30.000 tỉ đồng, trong đó 15.000 tỉ đồng vốn ngân sách.

Theo Thanh Niên
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=326
Quay lên trên