Bài 2: Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”
Bài 3: Bình Dương thực hiện lời dạy của Người
Thực hiện lời Bác dạy, tỉnh Bình Dương luôn xem việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đưa Bình Dương phát triển toàn diện.
Nhiệm vụ trọng tâm, then chốt
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác cán bộ, Tỉnh ủy luôn xem công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị và ban hành nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng cán bộ.
Trong mỗi kỳ đại hội, nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đều xác định mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật... đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Để chủ động nguồn cán bộ cho 5 - 10 năm tới, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều chỉ đạo thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cán bộ trong nhiệm kỳ và xây dựng đề án quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tiếp theo. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung của cán bộ được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và tiêu chuẩn của từng chức danh cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các đơn vị đánh giá, lựa chọn cán bộ để quy hoạch, đào tạo, luân chuyển tiếp cận nhiệm vụ, tạo nguồn cán bộ ngang tầm nhiệm vụ cho nhiệm kỳ hiện tại và những nhiệm kỳ kế tiếp.
Tỉnh ủy luôn xác định xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh. Trong ảnh: Trường Chính trị tỉnh tổ chức tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022
Đặc biệt, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 68 -KH/TU thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch này là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
Qua từng giai đoạn, bằng nhiều giải pháp, thực hiện các nhiệm vụ đề ra đã giúp cho chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh được nâng cao. Trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có bước phát triển về trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng và phát huy năng lực hoạt động thực tiễn, có phẩm chất đạo đức, uy tín cao, đóng góp lớn vào thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Bà Nguyễn Minh Thủy, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, đánh giá nhìn chung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian qua đều có sự phấn đấu vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao; có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động sáng tạo, hăng hái thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó là kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng bài bản về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, các kiến thức bổ trợ... cho đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành trong tỉnh, từng bước được nâng lên rõ rệt qua các thời kỳ; giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn chức danh quy định, vừa có kinh nghiệm và khả năng đề xuất tổ chức thực hiện chương trình công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và trưởng thành qua thực tiễn.
Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ
Bà Nguyễn Minh Thủy cho rằng, trước những đòi hỏi thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển của tỉnh, cần phải tập trung đổi mới một số nội dung nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ. Trước tiên là đổi mới công tác đánh giá cán bộ; trong đó việc đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ, làm cơ sở cho việc phân loại, quản lý và sử dụng cán bộ. Việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ cần có bước chuyển biến căn bản, quan trọng, có tính đột phá trong công tác cán bộ, đồng bộ từ tư duy, quan điểm, đến lời nói, việc làm của cá nhân và tổ chức, trước tiên từ người đứng đầu, cấp ủy, lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tham mưu trực tiếp chuyên trách về công tác tổ chức, cán bộ.
Song song đó, công tác quy hoạch cán bộ cần tiếp tục được đổi mới theo hướng xây dựng “thị trường nhân tài” dồi dào, phong phú từ nhiều nguồn khác nhau; tăng yếu tố “cạnh tranh” trong lựa chọn hiền tài, bảo đảm cho đội ngũ công chức được xây dựng, phát triển bền vững, chuyển tiếp liên tục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cá nhân, tổ chức chuyên trách tham mưu về công tác cán bộ cần đổi mới cách thức tuyển chọn cán bộ theo hướng tăng cường tính chủ động, ngăn ngừa tình trạng “chạy chức, chạy quyền”...
Việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ cần phải có kế hoạch với trình tự, đối tượng cụ thể; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng để tạo ra những cán bộ lãnh đạo, quản lý “kiểu mẫu” trước khi muốn lập ra một đơn vị, địa phương “kiểu mẫu”; sau khi làm được một nơi, từ nhỏ đến lớn rồi lấy đó để khuyến khích và nhân rộng mô hình ở nơi khác. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần ưu tiên lựa chọn, sử dụng cán bộ tại chỗ, có am hiểu về đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị để bảo đảm phù hợp, ổn định giữa lịch sử phát triển của địa phương, đơn vị và yêu cầu đổi mới.
Bên cạnh đó là đổi mới công tác chính sách, cơ chế, quy định kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Cần xây dựng thể chế bảo đảm tính khoa học tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Kiểm soát đồng bộ từ cá nhân đến tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là bộ phận trực tiếp chuyên trách, tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ gắn với kiểm soát nhân sự cán bộ, đặc biệt là cán bộ trong diện quy hoạch. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực gắn với chế tài pháp lý chặt chẽ. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật của Nhà nước và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Vận dụng tư tưởng của Bác trong công tác cán bộ hiện nay là một việc làm cực kỳ cần thiết, qua đó, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân; đồng thời tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc, đoàn kết, phấn đấu đưa nước ta phát triển sánh ngang với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.
THU THẢO