Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, chương trình nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ (CB) công đoàn (CĐ) đã được các cấp CĐ triển khai thực hiện tốt. Với nội dung, hình thức tập huấn phong phú đã giúp CB CĐ, nhất là CB công đoàn cơ sở (CĐCS) nâng cao năng lực, trình độ, sát thực tế.
Để tổ chức CĐ, nhất là CĐCS hoạt động mạnh cần có đội ngũ CB CĐ giỏi. Trong ảnh: Công đoàn các khu công nghiệp Bến Cát tuyên dương CB CĐ giỏi năm 2014 Ảnh: THU THẢO
Chú trọng tập huấn
Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ CB - CĐCS được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xác định là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai, chỉ đạo các cấp CĐ tổ chức thực hiện. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nghị quyết được tập trung triển khai đến cơ sở thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Bên cạnh đó, CĐ cấp trên cơ sở duy trì việc tổ chức giao ban với cơ sở trực thuộc, kết hợp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp giải quyết các tình huống cho CB, CĐCS; tập trung củng cố hoạt động đối với những CĐCS khó khăn… qua đó đã nắm bắt được tình hình hoạt động của CĐ, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc ở cơ sở. Đồng thời, CĐ cấp trên thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; từ đó tăng cường mối quan hệ chặt chẽ, sâu sát hơn giữa CĐ cấp trên với CĐCS.
Chỉ tính năm 2014, các cấp CĐ trong tỉnh đã tổ chức 1.029 lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày cho 132.000 lượt CB CĐ. Nội dung tập trung vào các chuyên đề về Luật Lao động sửa đổi, Luật Công đoàn sửa đổi và các nghị định hướng dẫn thi hành; công tác tổ chức, CB, công tác xây dựng CĐCS vững mạnh… Ngoài ra, 100% CĐCS khi mới thành lập đều được triển khai Luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đối với CB CĐ khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, ngoài việc trang bị kiến thức cơ bản, CĐ cấp trên còn tập trung hướng dẫn kỹ năng hoạt động CĐ, kỹ năng thương lượng hòa giải, kỹ năng đàm thoại, kỹ năng thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, kỹ năng thuyết trình trước công chúng…
Qua tập huấn, một số chủ tịch CĐCS đã có thể chủ động khảo sát, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình, mở lớp tập huấn và làm báo cáo viên tại cơ sở trong sự giám sát trực tiếp của CĐ cấp trên. Điển hình là CĐCS Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, CĐCS Công ty TNHH Chí Hùng, CĐCS Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình, CĐCS Công ty TNHH Fuda (KCN Việt Hương), CĐCS Công ty Scancom (KCN Sóng Thần)…
Đổi mới phương pháp
Mặc dù đã chú trọng nhưng công tác tập huấn, bồi dưỡng CB CĐ, CĐCS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Bùi Thanh Nhân phân tích, Bình Dương có số lượng CĐCS khối doanh nghiệp ngoài nhà nước khá lớn nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm. Công việc chuyên môn nhiều, cường độ làm việc rất cao, phần lớn là CB CĐ là lao động trực tiếp, lại chưa được nhiều chủ doanh nghiệp tạo điều kiện về thời gian để tham gia đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng công tác CĐ và CB, CĐCS cũng thường xuyên biến động… nên việc tổ chức đào tạo, tập huấn chưa đáp ứng kịp thời. Ngoài ra, một số CĐCS lựa chọn CB CĐ chưa thực sự có năng lực, chưa mạnh dạn nói lên tiếng nói chung của người lao động. Vì vậy, khả năng tổ chức đối thoại tại nơi làm việc và kỹ năng thương lượng thỏa ước lao động tập thể của CB CĐ ở CĐCS còn nhiều hạn chế...
Hiện nay, tổng số CB chuyên trách CĐ trên địa bàn tỉnh là 203 người, CB quản lý, phong trào, nghiệp vụ là 155 người. Trong đó, 155 người có trình độ học vấn 12/12, đạt tỷ lệ 100%; trình độ đại học, trên đại học là 146 người, đạt 94,2%; trình độ cao đẳng, trung cấp là 8 người, đạt 5,2%; trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị có 37 người, đạt 23,9%; trình độ trung cấp lý luận chính trị có 42 người, đạt 27,1%; đã qua đào tạo lý luận nghiệp vụ CĐ là 117 người, đạt 75,5%; chuyên viên cao cấp là 1 người, đạt 0,6%; chuyên viên chính là 27 người, đạt 17,4% và chuyên viên là 122 người, đạt 78,7%. |
Do đặc thù đội ngũ CB CĐ chủ yếu làm kiêm nhiệm, lại thường xuyên biến động nên việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày là giải pháp chủ yếu. Đối với những CĐCS có đông lao động, liên hệ làm việc trực tiếp với người sử dụng lao động để bố trí từ 1 - 2 CB CĐ làm chuyên trách và có phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu như cử tham gia lớp lý luận và nghiệp vụ công tác CĐ, tham gia các lớp đào tạo về kỹ năng công tác CĐ, tham gia các dự án do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức…
THU THẢO