Cần chú trọng sức khỏe trước các nguy cơ bệnh nghề nghiệp
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Trong vài năm trở lại đây, khi giá mua mủ cao su lên cao, nhiều người đã tập trung đầu tư vào cây cao su. Về mặt tích cực có thể thấy ngành cao su đã giải quyết tốt lao động nhàn rỗi tại các địa phương cũng như tạo ra nguồn thu nhập cao cho cư dân nông thôn. Song song với các công ty cao su quốc doanh, lĩnh vực cao su tư nhân, tiểu điền hiện nay cũng đang đạt hiệu quả cao trong việc giải quyết việc làm. Tuy nhiên có thể thấy, do đặc điểm sản xuất và yêu cầu của công việc, nhiều người lao động trong ngành cao su đã không chú trọng đúng mức đến mức ảnh hưởng của môi trường làm việc với sức khỏe bản thân. Có thể nhận thấy nghề làm cao su cũng có bệnh nghề nghiệp. Lao động ngành cao su cần chú trọng bệnh nghề nghiệp
Theo quan điểm phổ thông thì bệnh nghề nghiệp là loại bệnh phát sinh do các tác hại nghề nghiệp, do điều kiện lao động, sản xuất có hại của nghề nghiệp tác động đến sức khỏe người lao động. Thông thường, người ta hiểu bệnh nghề nghiệp mang tính chất đặc trưng của một nghề nào đó do yếu tố độc hại trong nghề tác động thường xuyên lên cơ thể người lao động. Sau đó gây nên những rối loạn bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính. Môi trường lao động trong ngành cao su cũng khá khắc nghiệt. Trong quá trình làm việc người làm nghề cạo mủ cao su phải dậy sớm, khi cạo phải nhờ vào ánh sáng đèn điện, mắt phải tập trung cao độ nên khoảng từ 40 tuổi trở đi, sức khỏe của người làm nghề cao su đã bắt đầu giảm sút rõ rệt. Các bệnh lý của người làm cao su là những bệnh lây do làm việc trong môi trường ẩm ướt, như: dị ứng mủ cao su, viêm xoang, viêm phế quản, các bệnh về mắt, những bệnh rối loạn cột sống thắt lưng, ngoài ra còn có các bệnh do nhiều điều kiện khác như sỏi thận, viêm gan siêu vi B, xơ gan...
Với những công nhân lao động tại các công ty cao su Nhà nước, do được tổ chức khám sức khỏe định kỳ, được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động nên họ có thể phòng ngừa sớm các loại bệnh có thể gây ra. Còn với những người làm cho các đơn vị tư nhân hay người cạo thuê cho các chủ vườn cao su tiểu điền thì lại khác hẳn. Những người làm lao động kiểu này do nhận thức còn hạn chế hoặc do chủ quan về các tác hại của môi trường làm việc, do chưa được người sử dụng lao động chú ý đúng mức đến việc bảo vệ sức khỏe lao động cho họ nên thường xuất hiện nhiều loại bệnh gây nguy hại đến sức khỏe. Trong quá trình lao động họ cũng ít chú ý đến việc trang bị các trang bị bảo hộ lao động. Anh Nguyễn Văn Hoàng ngụ xã Định An, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Vợ chồng tôi đã đi cạo mủ thuê cho các vườn cao su tư nhân gần chục năm nay. Hiện nay tôi đã thấy xương cột sống của tôi xuất hiện những cơn đau nhức thường xuyên khi đi ngủ. Hiện nay tôi cũng chưa có thời gian đến các bệnh viện lớn để kiểm tra mà chỉ có thể đến các tiệm thuốc Đông y mua thuốc thang về nấu uống. Nếu bác sĩ có bảo tôi phải mổ cột sống tôi cũng không dám mổ vì nếu mổ thì sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm sức khỏe để tiếp tục cạo mủ”. Trường hợp của anh Hoàng bị ảnh hưởng đến cột sống cũng dễ hiểu vì một thời gian dài phải xách thùng mủ nặng đi các chặng đường xa thì việc tổn thương đến cột sống là điều tất yếu xảy ra.
Bác sĩ Lê Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Y tế ngành cao su (Hiệp hội Cao su Việt Nam): Đội ngũ y bác sĩ trong ngành còn rất mỏng
Hiện tại vấn đề an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp rất được quan tâm. Đó là sự ảnh hưởng của khí hậu, hóa chất độc hại tác động như thế nào đến sức khỏe người công nhân, các bệnh nghề nghiệp thường mắc phải trong quá trình lao động, mà ngành cao su là một đặc thù. Hàng năm, TTYT ngành tổ chức khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật nhằm phát hiện, điều trị và tư vấn cho công nhân. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với y tế địa phương làm công tác y tế dự phòng, chương trình mục tiêu y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em... Vấn đề mà hệ thống y tế ngành đang gặp khó khăn là đa số các công ty cao su thuộc vùng sâu vùng xa, vùng biên giới nên điều kiện được chăm sóc y tế của công nhân cao su gặp nhiều khó khăn; đội ngũ y, bác sĩ còn rất mỏng, trang thiết bị y tế thiếu thốn...
Cần chú ý hơn đến sức khỏeĐã từng tiếp xúc với nhiều người làm nghề cao su chúng tôi biết có không ít người gặp các vấn đề về sức khỏe. Có thể gọi các loại bệnh như vậy là bệnh nghề nghiệp. Không riêng gì những người làm việc tại các vườn cao su tư nhân mới mắc phải mà ngay cả những công nhân làm việc tại các công ty cao su cũng gặp phải các bệnh nghề nghiệp. Bà Lê Thị Thanh ngụ xã An Lập, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Trong thời gian làm việc tại nông trường do yêu cầu của công việc nên tôi phải cố gắng làm việc cho đạt theo các yêu cầu. Lúc đó tôi chưa thấy có các dấu hiệu của bệnh tật. Đến nay khi đã nghỉ hưu tôi mới thấy. So với những người bạn cùng tuổi không làm trong nghề cao su thì mắt của tôi kém hơn họ rất nhiều. Tôi cũng bị xoang phải dùng thuốc thường xuyên”. Hiện nay trước tốc độ phát triển nhanh chóng của các vườn cao su tiểu điền, nhu cầu lao động trong lĩnh vực cao su cũng tăng theo, xuất hiện cả những người chưa đủ tuổi lao động. Với những lao động chưa đủ tuổi, thể chất, sức khỏe chưa hoàn chỉnh vì vậy nếu lao động trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Với đặc thù của ngành cao su, nếu người lao động không chú ý đến các tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của môi trường lao động thì có thể sẽ có những tác động xấu đến sức khỏe của họ. Đã đến lúc người làm nghề cao su cần chú trọng hơn đến sức khỏe. Nên thường xuyên đi khám sức khỏe để có những đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe để có các phương án bảo vệ sức khỏe lâu dài.
ĐÀ BÌNH