Thực tiễn kinh nghiệm quốc tế đã minh chứng rằng, trong bối cảnh hội nhập và phát triển như hiện nay, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực thiết yếu của nền kinh tế thế giới, giải quyết khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới sự phát triển bền vững của một quốc gia, của toàn thế giới.
Trong những năm qua, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã thể hiện được vai trò quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong dài hạn. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã đặt ra những yêu cầu mới cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong việc giải quyết những vấn đề của kinh tế - xã hội trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của dân tộc Việt Nam mà đại diện là thế hệ trẻ. Khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp sáng tạo, tạo dựng ra giá trị trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh còn khó hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh mới, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách bền vững, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai thực hiện Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, xem xét xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, cơ chế tạo thuận lợi cho các Quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư cho các dự án ở Việt Nam nhưng không để xảy ra tình trạng “rửa tiền”. Thứ trưởng khuyến nghị địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tin tưởng rằng, từ chính sách của các địa phương cùng sự chỉ đạo, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
PHƯƠNG AN