Cần có chính sách ưu đãi đầu tư cho kinh tế tư nhân

Cập nhật: 30-12-2010 | 00:00:00

Mới đây, khi phát biểu tại hội thảo rà soát chính sách trên một số lĩnh vực ảnh hưởng tới hoạt động của kinh tế tư nhân (KTTN) do Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và đầu tư phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức tại Khu du lịch Đại Nam, ông Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực KTTN còn khá khiêm tốn.

Khiêm tốn

Tại hội thảo, ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế tư vấn chính sách của Economica Việt Nam cho biết, mục tiêu của báo cáo của ông nhằm tập trung vào những điều cần cải thiện và hướng tới một khu vực tư nhân vững mạnh, phù hợp với yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế. Đồng thời phân tích những vấn đề chính sách hiện nay và đề xuất một số khuyến nghị cụ thể nhằm tạo ra những đột phá mới trong sự phát triển, đặc biệt là về chất lượng và hiệu quả tăng trưởng của các doanh nghiệp (DN) tư nhân, nhằm góp phần tạo dựng một nền kinh tế tự chủ có tính cạnh tranh cao trong thập niên tới.

  Hoạt động sản xuất- kinh doanh của một doanh nghiệp tư nhân tại Bình Dương

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, hiệu quả đầu tư của khu vực KTTN cao hơn so với các khu vực khác, đồng thời tạo ra khoảng 80% việc làm trong xã hội. Tuy vậy, hiện nay các chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực KTTN lại còn khá khiêm tốn. Do đó, hệ quả là tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sở hữu rất thấp, thậm chí còn lỗ. Theo thống kê qua các năm, tỷ lệ lợi nhuận của lĩnh vực này so với DN Nhà nước và lĩnh vực đầu tư nước ngoài rất thấp.

Cụ thể, năm 2006, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DN tư nhân chỉ đạt 6,1%, trong khi đó DN Nhà nước đạt hơn gấp đôi và DN đầu tư nước ngoài gấp gần năm lần. Sự cách biệt còn lớn hơn trong những năm gần đây khi kinh tế khó khăn. Theo nhận định của TS Cung, DN tư nhân đang gặp khó khăn, trong đó lãi suất ngân hàng là trở ngại lớn nhất. Theo báo cáo nghiên cứu về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của DN tư nhân trong thập niên tới, do tổ công tác thi hành Luật DN và đầu tư thực hiện, cho thấy trong khi DN Nhà nước cần 436,5 triệu đồng vốn chủ sở hữu để tạo ra một chỗ làm, DN đầu tư nước ngoài là 249,4 triệu đồng, thì DN tư nhân chỉ cần 224,1 triệu đồng. TS Cung cũng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam không thể lớn mạnh nhờ vào DN đầu tư nước ngoài mà chính DN tư nhân mới là trụ cột.

Cần cải thiện năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân

Còn nhớ, mới đây khi phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam, GS Michael Porter - cha đẻ của chiến lược cạnh tranh từng nhận định rằng: Tư nhân phải là khu vực dẫn đầu trong phát triển nền kinh tế, Nhà nước phải nhìn nhận nó như là một tài sản cực kỳ quan trọng để dẫn dắt và thúc đẩy sự cải thiện năng lực cạnh tranh. Nếu không dẫn đầu trong các lĩnh vực thì tối thiểu khu vực tư nhân cũng phải là người tham gia sâu trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, cần phải có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực, từ đó cho phép những DN có đóng góp nhiều nhất vào sự thịnh vượng và hiệu quả của nền kinh tế được phát triển. TS Cung cũng cho biết, sự cách biệt giữa KTTN với các lĩnh vực khác thực chất được tạo ra bởi chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Nếu cạnh tranh công bằng, chưa chắc DN tư nhân đã chịu lép vế. Ngoài ra, các chính sách hiện nay còn chưa được thực hiện tốt vai trò định hướng hoặc khuyến khích DN đầu tư theo cách tốt nhất cho nền kinh tế, TS Cung nhìn nhận.

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên