Bình Dương có 3 cơ sở, trung tâm được cơ quan chức năng cấp phép nuôi hổ. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, tại cả 3 địa điểm đều đã xảy ra các vụ tai nạn do hổ làm 2 người chết, 2 người bị thương. Cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần nêu lên các bất cập khi chưa có một “quy chuẩn” cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nuôi cũng như công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Khu vực chuồng hổ nơi ông Võ Thành Quới bị nạn
Vẫn “chờ” quy chuẩn nuôi dưỡng động vật hoang dã
Ông Trần Văn Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, cho rằng bất cập lớn trong công tác quản lý nhà nước đối với cơ quan kiểm lâm đó là việc chưa có “quy chuẩn” xây dựng chuồng trại cho hổ, trong khi đó lại không thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, đó là chưa kể các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng ra sao để bảo đảm tốt vật nuôi, cũng như bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người nuôi, không để xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc như thời gian qua. “Những vấn đề vướng mắc đó chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng để góp phần tăng cường công tác quản nhà nước. Hiện nay, khi chưa có quy chuẩn cụ thể mà chỉ nói chung chung điều kiện nuôi dưỡng phù hợp với từng loại động vật nuôi nên rất khó khăn cho công tác quản lý”, ông Trần Văn Nguyên chia sẻ.
Có thể nói, do chưa có một quy chuẩn nên đến nay việc kiểm tra đối với cơ sở nuôi động vật hoang dã, trong đó có loài hổ chỉ “cảm tính” về điều kiện nuôi, nhốt “phù hợp với loài”. Đến nay, Việt Nam chưa có quy chuẩn nào cho phương án, mô hình chuồng trại nuôi cấy, sinh sản những loài thú dữ. Cụ thể, như về thiết kế xây dựng chuồng trại nuôi nhốt thú hoang dã, trong đó có loài hổ, hiện nay trong nước vẫn chưa có quy chuẩn chung, ngoại trừ những loài thú hoang dã nuôi sinh sản phục vụ xuất khẩu đã được xây dựng như nuôi cá sấu, trăn, rắn. Hầu hết các cơ sở được nuôi thí điểm đều dựa trên kinh nghiệm, học hỏi từ các mô hình của các nước khác. Việc chưa có quy chuẩn để có thể “cân đo, đong đếm” đã dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Ngay cả cơ quan kiểm lâm cũng không thể căn cứ vào quy chuẩn cụ thể nào đã được ban hành thì không thể nào nói cơ sở này làm không đúng hay sai.
Hồi tháng 1-2019, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm các địa phương: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An và Bình Dương tiến hành kiểm tra, khảo sát tình hình chăn nuôi các loài động vật hoang dã, trong đó có hổ. Theo ông Trần Văn Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, qua buổi khảo sát, đánh giá trên, dự kiến CITES sẽ tham mưu cho bộ, ngành liên quan để xây dựng một quy chuẩn cho việc nuôi dưỡng các loại động vật hoang dã, thú dữ tại Việt Nam.
Chuyên gia lên tiếng cảnh báo sau tai nạn
Liên quan đến vụ một nạn nhân bị hổ cắn đứt lìa hai tay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã yêu cầu chủ cơ sở thực hiện khẩn trương các biện pháp để bảo đảm an toàn, không để xảy ra tai nạn tương tự.
Theo ông Dương Thành Phi, khi hổ đã đánh và móng vuốt dính trên con mồi, đối tượng bị tấn công sẽ rất khó để thoát ra. Trường hợp của anh Quới có thể bị móng vuốt hổ vồ và kéo lại gần khiến nạn nhân không thể thoát ra được. Vì vậy mọi người dân khi tham quan hay kể cả người chăm sóc không nên đến gần loài hổ vì đây là loài thú dữ với đặc trưng hung hãn, tính gây hấn cao và dễ bị kích động. Tập tính hoang dã của hổ dù được nuôi nhưng bản năng có thể thức tỉnh bất cứ lúc nào. Vì thế con người cần cảnh giác và cách ly đặc biệt với hổ. Do đó con người không nên đến gần loài hổ vì “đó là loài thú dữ với đặc trưng hung hãn, tính gây hấn cao và dễ bị kích động”. |
Trước đó, khoảng 14 giờ chiều 4-5, ông Võ Thành Quới (SN 1970, quê An Giang), là nhân viên cũ của DNTN Thanh Cảnh (Khu du lịch Thanh Cảnh) tiếp cận khu vực chuồng nuôi 3 con hổ trưởng thành và bị hổ cắn đứt lìa sát nách phần cánh tay phải, riêng cánh tay trái thì bị đứt lìa nửa tay. Ông Trương Văn Hải, nhân viên chăm sóc của KDL Thanh Cảnh cho biết, 10 năm trước anh Quới là nhân viên chăm sóc thú cùng làm việc tại KDL và từng tham gia việc chăm sóc, vệ sinh, cho hổ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, sau đó anh đã nghỉ việc và khi xảy ra vụ việc mọi người bất ngờ, không hiểu vì sao anh Quới lại xuất hiện tại chuồng hổ và gặp nạn.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh cùng lực lượng Công an tỉnh, Công an TX.Thuận An tiến hành điều tra, xác minh tại hiện trường. Ngay sau buổi làm việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã yêu cầu bà Huỳnh Thị Mỹ (chủ cơ sở) khẩn trương tăng cường gia cố 3 ô chuồng hiện nuôi nhốt hổ để bảo đảm an toàn trong thời gian sửa chữa. Các ô chuồng đang sửa chữa phải hoàn thành trong thời gian 10 ngày để di chuyển 3 cá thể hổ sang, rồi mới tiếp tục tiến hành sửa chữa các ô chuồng còn lại. Đối với cửa đi vào khu vực chuồng nuôi hổ giáp với đường đê bao, cơ quan chức năng đề nghị khóa hẳn cửa để tránh người lạ đi vào khu vực nuôi hổ; tuyệt đối không cho người không có phận sự, trẻ em vào khu vực chuồng, trại nuôi nhốt thú; tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho công nhân đang sửa chữa chuồng cũng như nhân viên chăm sóc và những cư dân quanh khu vực.
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Dương Thành Phi, chuyên gia có kinh nghiệm 24 năm chăm sóc, nuôi dưỡng hổ, cho biết bản tính hoang dã luôn có trong các loài thú rừng, nhất là loài hổ. Dù được nuôi từ bé, bản năng hoang dã vẫn tiềm ẩn, khi gặp điều kiện hổ sẵn sàng tấn công kể cả đó là người chăm sóc hàng ngày.
“Một hổ con nuôi nếu cách ly với mẹ thì chúng có thể không nhanh chóng học được các bản năng hoang dã từ mẹ. Nếu nó gần hổ mẹ lâu ngày, dù hổ con được người chăm sóc, thuần dưỡng nhưng vẫn nhanh chóng học được các kỹ năng tấn công, săn mồi từ hổ mẹ. Nếu chúng tiếp cận thường xuyên như vậy thì rất dễ xảy ra các vụ tấn công con người, ngay cả người hàng ngày chăm sóc, cho chúng ăn”, ông Dương Thành Phi nói.
Cũng theo ông Phi, đặc tính hổ thường phản ứng bằng cách tấn công bất cứ cá thể, vật thể nào di chuyển vào khu vực được chúng đánh dấu là lãnh địa của mình. Trường hợp ông Võ Thành Quới bị hổ KDL Thanh Cảnh tấn công có thể do sự xuất hiện đột ngột của nạn nhân tạo tiếng động lạ, khiến bản năng hoang dã của chúng trỗi dậy. Ngoài ra, có thể khi nạn nhân tiếp cận chúng trong người có mùi rượu khiến hổ lao vào tấn công, cho dù trước đó nạn nhân đã từng chăm sóc, cho hổ ăn. Hay như vụ tai nạn xảy ra tại cơ sở nuôi tại Công ty TNHH Thái Bình Dương (Pacific) khi hổ tấn công làm chết nhân viên đã hơn 10 năm chăm sóc chính con hổ đã tấn công mình.
“Trên thế giới, ngay cả những người huấn luyện thú, các diễn viên xiếc thú cũng bị hổ, sư tử tấn công ngay khi họ đang diễn. Nguyên nhân do họ từ buổi tiệc trở về người có mùi rượu, hay xức nước hoa tạo mùi lạ khiến họ bị tấn công khi đang trình diễn”, chuyên gia 24 năm chăm sóc, nuôi hổ chia sẻ.
Ngoài ra, qua hình ảnh cửa chuồng nơi nạn nhân gặp nạn ngày 4-6, ông Phi cho rằng việc không rào thêm lớp lưới phụ bằng ô nhỏ ở cửa chuồng là chủ quan, vì hổ có thể dùng chân để thò ra tấn công nạn nhân.
Có thể nói, sau 3 vụ tai nạn liên quan việc nuôi hổ xảy ra trên địa bàn tại cả 3 cơ sở được phép nuôi, nhốt hổ trong lúc chờ đợi một quy chuẩn được ban hành thì đòi hỏi các cơ sở chăn nuôi cần chấp hành nghiêm việc thực hiện gia cố chuồng, trại nuôi. Bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm an toàn cho nhân viên cũng như cho khách tham quan và cư dân xung quanh cơ sở, đề phòng trường hợp thú dữ sổng chuồng tấn công, gây hại cho người khác.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 3 cơ sở được cấp phép nuôi hổ theo quy định. Trong đó Khu du lịch Thanh Cảnh hiện đang nuôi 5 cá thể hổ; vườn thú Khu du lịch Đại Nam đang nuôi 31 cá thể hổ và tại cơ sở nuôi Công ty Thái Bình Dương (TX.Dĩ An) đang nuôi 14 cá thể hổ. Ngoài vụ anh Võ Thành Quới bị hổ tấn công chiều 4-6, trước đó chiều 10-9-2009, trong lúc 3 nhân viên vườn thú Khu du lịch Đại Nam đang trồng cây xanh bất ngờ bị một con hổ chuồng kế bên nhảy qua vách ngăn cao 3m tấn công khiến ông Nguyễn Công Danh (47 tuổi) bị hổ cắn chết tại chỗ. Chiều 23-9-2016, ông Lương Văn Hải (40 tuổi, quê Thái Bình) cho con hổ cái nặng 120kg ăn tại chuồng nuôi của Công ty Thái Bình Dương, phường Bình An, TX.Dĩ An thì bất ngờ bị hổ cắn tử vong tại chỗ. |
MINH DUY