Bài 2: Khi công viên thành sân khấu ca nhạc
Tiếng ồn từ hát karaoke tự phát, từ các thùng loa kẹo kéo di động thật sự đã gây căng thẳng, khó chịu cho mọi người xung quanh. Tình trạng này không chỉ có trong các khu dân cư, những khu nhà trọ, mà đến những chốn công cộng như công viên cũng không ngoại trừ...
Những điểm cho thuê loa kẹo kéo di động từ ngoài đường đến bên trong công viên thành phố mới sẵn sàng phục vụ cho người dân khi có nhu cầu
Muôn kiểu hát hò
Từ ngày công viên thành phố mới được xây dựng, đưa vào hoạt động, với khuôn viên rộng, cây cối xanh mát, nơi đây trở thành địa điểm nghỉ ngơi, thư giãn của nhiều người dân vào mỗi chiều, đặc biệt là các ngày thứ bảy, chủ nhật. Thế nhưng, nhiều người cho biết, chốn vui chơi thư giãn lý tưởng này đã sớm bị khuấy động bởi sự xuất hiện của những chiếc loa hát karaoke công suất lớn, các loại loa kẹo kéo di động.
Để tận mắt thấy tai nghe, sáng chủ nhật, chúng tôi cũng rủ nhau vào công viên thành phố mới trải nghiệm không khí này. Ngay từ đầu đường vào công viên gần chỗ gửi xe, chúng tôi đã nghe rất rõ âm thanh phát ra từ chiếc loa kẹo kéo di động do một người đàn ông đang đứng chỉnh lên chỉnh xuống. Đó là công việc mỗi sáng của người đàn ông này để chuẩn bị sẵn sàng những chiếc loa di động phục vụ khách đến công viên có nhu cầu thuê hát.
Mới 8 giờ sáng nên lượng người đến công viên còn ít. Bên trong công viên, cạnh các con suối nhỏ, một số tốp thanh niên cũng đã chọn được nơi lý tưởng để trải bạt, bày biện các thứ đồ ăn chuẩn bị cho buổi vui chơi cuối tuần. Khoảng 30 phút sau, một người đàn ông đẩy chiếc loa kẹo kéo di động từ bên ngoài vào chỗ mấy thanh niên này ngồi. Đó là chiếc loa đầu tiên người đàn ông này cho thuê được trong ngày. Càng về sau, khi khách đến công viên nhiều hơn thì công việc làm ăn của người đàn ông này càng phất lên.
Chúng tôi gặp chị Phan Thị Hương, ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một cùng 2 con nhỏ đang ngồi chơi, cho cá ăn bên bờ suối nhỏ và được chị cho biết, thông thường tại đây vào buổi trưa là đã bắt đầu náo nhiệt. “Chị muốn nghe hát hò các kiểu thì chiều quay lại, đủ thể loại luôn...”. Chị cũng cho biết, thường ngày đi làm bận rộn nên chiều cuối tuần chị hay dẫn con vào đây chơi, vừa mát mẻ, vừa không tốn gì cả. Thế nhưng, ngày càng có nhiều người hát karaoke loa kẹo kéo ồn ào quá nên lâu lâu chị mới dẫn con vào đây chơi một chút vào buổi sáng. Chị Hương nói: “Đưa con đến đây chơi những mong con được hòa mình vào thiên nhiên, chiều đi thì mát mẻ hơn, nhưng nay tôi không muốn đi buổi chiều nữa vì thư giãn đâu chưa thấy lại bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ những chiếc loa karaoke”.
Khoảng 4 giờ chiều, khi chúng tôi quay lại công viên thành phố mới thì không khí đã trở nên náo nhiệt hẳn lên đúng như lời của chị Hương. Chỉ mới đứng ở chỗ gửi xe, chúng tôi đã nghe rất rõ tiếng hát vang lại từ nhiều phía. Địa điểm cho thuê loa buổi sáng đặt giữa đường vào nay cũng chuyển sâu vào bên trong công viên hơn. Len lỏi qua những con đường nhỏ bên trong công viên, mới thấy hết “sự say mê” ca hát chính là đây. Từng nhóm người ngồi cách nhau chỉ tầm vài chục mét và bên cạnh họ luôn có một chiếc loa kẹo kéo di động. Vừa ăn uống, vừa thi nhau hát hò. Mỗi người mỗi bài, mỗi thể loại khác nhau, từ nhạc ta đến nhạc Tàu, nhạc Tây. Các nhóm lại ngồi khá gần nhau nên người nghe như đang bị “tra tấn” là có thật.
Nhiều nhóm người nam có nữ có ở nhiều lứa tuổi, có nhóm thì toàn thanh niên, nhưng cũng có nhóm toàn phụ nữ, thậm chí có nhóm mỗi người bồng trên tay một em bé... cũng thi nhau hát. Ai hát cũng muốn vặn âm thanh lên thật to để khoe giọng ca “oanh vàng” nên cái âm thanh mà người nghe được nó lùng bùng, chát chúa nhức cả đầu óc. Theo từng đợt gió đưa, các loại âm thanh hỗn tạp quyện vào nhau vang xa hàng trăm mét. Anh Trần Đức Nam, một người thường hay đến đây chơi chia sẻ: “Hát vậy mà thư giãn cái gì. Giờ họ có chút hơi men trong người rồi nên cứ cố hết sức mà la chứ hát gì nữa. Thôi thì mình đến đây chơi cứ chọn chỗ nào ngồi xa mấy nhóm hát hò đó là được. Cũng nghe nhưng âm thanh nhỏ lại rồi nên đỡ bực mình...”.
Từng nhóm người ngồi chơi, thuê loa kẹo kéo di động vô tư hát karaoke bên trong công viên
Không gian yên tĩnh bị đánh cắp
Theo quan sát của chúng tôi, lượng khách buổi chiều đến công viên thành phố mới chơi nhiều hơn buổi sáng. Vì thế, những chỗ cho thuê loa kẹo kéo di động buổi chiều cũng nhiều hơn. Ngoài điểm cho thuê đầu đường (đến chiều đã kéo vào sâu bên trong), còn có thêm một số điểm cho thuê loa kẹo kéo di động khác bên trong công viên. Hỏi thăm một chị cho thuê loa, chúng tôi được biết giá thuê là 100.000 đồng/giờ. Đi một vòng quanh các con đường nhỏ trong công viên, chúng tôi đếm chừng có hơn 10 nhóm ngồi chơi có thuê loa kẹo kéo kiểu này để hát karaoke. Ngay cả vòng tròn cỏ ở giữa công viên, nơi mà mọi người thường ra đó ngồi chơi, cho trẻ nhỏ chạy nhảy nô đùa, rồi thả diều ngắm cảnh khi chiều xuống cũng bị một nhóm thanh niên nam nữ vô tư biến thành nơi ngồi ăn uống, hát hò. Cách đó mấy mét là chỗ cho thuê loa karaoke kẹo kéo này, vẫn còn 4 thùng loa chưa có người thuê với âm thanh được mở liên tục để chào mời khách hàng.
Anh Phan Văn Minh, sống ở khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, cho biết công viên thành phố mới là nơi anh thường đưa con đến chơi nhiều nhất vì gần nhà, lại không tốn kém nhiều như đi quán xá cà phê hay vào khu vui chơi. Vì thế, hầu như tuần nào vợ chồng, con cái nhà anh cũng chở nhau đến đây ngồi chơi, ngắm cảnh rồi về. Anh bày tỏ: Đây là công viên công cộng, người ta hát hò mình cũng không dám nói gì, bởi có khi nói lại xảy ra chuyện không hay. Ở đây, mình thấy có rất nhiều bảo vệ, nhưng chưa thấy họ nhắc nhở ai về hát hò. Ở đây mà không có chuyện hát hò inh ỏi như thế này thì mới đúng là chỗ công viên công cộng lý tưởng”.
Những người mà chúng tôi hỏi thăm đều cho biết họ không đồng tình với việc để tình trạng hát karaoke loa kẹo kéo di động tồn tại trong công viên. Công viên là nơi công cộng, là nơi sinh hoạt của mọi người và ai đến đây cũng muốn được vui chơi, thư giãn nhẹ nhàng nên việc tồn tại tình trạng này đã phá vỡ không gian vui vẻ, bình yên nơi này. Việc hát hò ồn ào này dù ai cũng nghe, cũng bực bội nhưng vì không muốn xích mích, không muốn “rước họa vào thân” nên họ đành im lặng “sống chung” với nó.
Không chỉ tại công viên thành phố mới, còn nhiều công viên, khu vực công cộng khác bị nhiều “ca sĩ” chiếm làm sân khấu riêng. Đó là chưa kể đến tại nhiều đoạn đường trung tâm, nhiều cửa hàng kinh doanh tha hồ mở nhạc gây ồn ào, khó chịu. Vì thế, điều quan trọng là ý thức mỗi người khi đến nơi công cộng, họ cần tôn trọng không gian chung của mọi người. Nhiều người cho rằng, ngoài quy định cụ thể của pháp luật, các cơ quan chức năng, người có trách nhiệm cũng cần kiểm tra, chấn chỉnh sớm tình trạng này để trả lại không gian yên lành cho mọi người trong thời gian tới. (Còn tiếp)
Bài 3: Trả lại không gian yên tĩnh cho người dân
CẨM LÝ