Cần điều chỉnh một số quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Cập nhật: 12-10-2023 | 08:48:03

Tại hội thảo lấy ý kiến các địa phương phía Nam về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (lần 2), tỉnh Bình Dương đã có bài tham luận đóng góp về nội dung xác định trữ lượng khoáng sản để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó trưởng phòng Tài nguyên Nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

 Hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá ở xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên

 - Luật Khoáng sản ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, thưa bà?

- Luật Khoáng sản được ban hành đầu tiên năm 1996, được sửa đổi bổ sung năm 2005 và đến năm 2010 Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua. Từ khi Luật Khoáng sản ra đời, hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản ngày một đi vào khuôn khổ, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Theo đó, đã tạo khung pháp lý cho hoạt động khai thác khoáng sản, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, chủ yếu là lao động tại địa phương, đồng thời đóng góp một phần đáng kể vào ngân sách Nhà nước. Đặc biệt đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vật liệu xây dựng của tỉnh và một phần cho khu vực.

- Xin bà cho biết sự cần thiết ban hành luật sửa đổi?

- Qua gần 30 năm kể từ khi có Luật Khoáng sản và hơn 10 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, thực tế vẫn phát sinh những vấn đề cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (lần 2) và tổ chức hội thảo lấy ý kiến các địa phương. Tại hội thảo tổ chức ngày 29-9, 22 nhóm vấn đề được nêu ra thảo luận, trong đó vấn đề được nhiều tỉnh quan tâm có ý kiến đó là: Vấn đề phân loại khoáng sản và quản lý theo từng nhóm; sử dụng đất phục vụ cho mục đích khác trong diện tích quy hoạch khoáng sản (quy hoạch sử dụng đất đa mục đích); xác định trữ lượng khoáng sản để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; vấn đề về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trong cấp phép hoạt động khoáng sản; vấn đề về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về thế chấp giấy phép khai thác khoáng sản; mối quan hệ giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên và một nội dung hoàn toàn mới đó là phân cấp cho UBND cấp huyện cấp giấy phép khai thác quy mô nhỏ.

- Nội dung tỉnh Bình Dương quan tâm góp ý là gì, thưa bà?

- Với đặc điểm khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường như đá xây dựng (đã đánh giá 1.063 triệu m3), cát xây dựng (4,64 triệu m3), sét gạch ngói (35,55 triệu m3). Hiện có 52 mỏ đã được cấp giấy phép khai thác (đá xây dựng 22 mỏ, sét gạch ngói 23 mỏ, cát xây dựng 7 mỏ). Số tiền cấp quyền khai thác đã được duyệt là 1.400 tỷ đồng, lũy kế đến nay các doanh nghiệp đã nộp 794 tỷ đồng, đây là đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Các mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh đều được khai thác bằng phương pháp lộ thiên có địa hình âm (âm dưới bề mặt địa hình tự nhiên), do đó khi khai thác buộc phải cắt tầng bậc chừa lại bờ bảo vệ, (tổn thất theo thiết kế) để bảo đảm không bị sạt lở. Qua quá trình triển khai thực hiện công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản các tỉnh nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Tại hội thảo, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có bài tham luận cụ thể về nội dung xác định trữ lượng khoáng sản để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

- Cụ thể kiến nghị của tỉnh Bình Dương là gì, thưa bà?

- Về thực tế cũng như lý luận của các doanh nghiệp, khái niệm “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” được hiểu là số tiền mà doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước để được quyền khai thác một khối lượng khoáng sản nhất định, khối trữ lượng khai thác thực tế được lấy đi. Còn khái niệm về “Trữ lượng địa chất” được định nghĩa là một phần hoặc toàn bộ trữ lượng khoáng sản được thăm dò và phê duyệt trữ lượng trong một diện tích và chiều sâu nhất định. Trong khai thác mỏ lộ thiên, “Trữ lượng địa chất - trữ lượng trụ bảo vệ để lại để bảo đảm an toàn (gồm taluy bờ mỏ, đai tầng, đường vận chuyển) = Trữ lượng khai thác”. Như vậy, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải được hiểu là tiền tính cho trữ lượng khoáng sản khai thác được, không phải là tiền tính cho trữ lượng địa chất vì trữ lượng địa chất sẽ bao gồm cả phần trữ lượng các doanh nghiệp không được phép lấy đi cũng như không được phép tác động đến (gồm taluy bờ mỏ, đai tầng, đường vận chuyển).

Về mặt lý luận hệ số thu hồi khoáng sản (K1) liên quan đến phương pháp khai thác: Tại khoản 3, 4 Điều 3, Nghị định số 203, về giải thích từ ngữ: “Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác (K1) là tỷ lệ giữa trữ lượng địa chất đã được loại bỏ một phần do thiết kế phương pháp khai thác và trữ lượng địa chất trong ranh giới khu vực được cấp phép khai thác”, khai thác lộ thiên K1 = 0,9 chưa phù hợp. Thực tế trong thiết kế khai thác lộ thiên đối với mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường có địa hình âm tỷ lệ chừa trụ chiếm 25 - 40% trữ lượng địa chất, nghĩa là hệ số K này nằm trong khoảng 0,6 - 0,7 mới phù hợp.

Từ những lý luận và thực tiễn như trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị “Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là trữ lượng khoáng sản khai thác được giới hạn trong phạm vi thăm dò, đánh giá trữ lượng và ghi trong giấy phép khai thác không bao gồm trữ lượng chừa trụ bảo vệ theo thiết kế mỏ”. Từ đó, công thức tính tiền cấp quyền khai thác T = Q x G x K2 x R, bỏ đi hệ số K1 và sẽ không phụ thuộc phương thức khai thác hay địa hình khai thác. Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) áp dụng chung cho cả mỏ đấu giá và mỏ không đấu giá tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

- Xin cám ơn bà!

 TIẾN HẠNH - QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=655
Quay lên trên