Vấn đề môi trường nước là việc bức xúc cần giải quyết ngay. Môi trường nước là vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến đời sống xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường coi đây là việc bức xúc cần giải quyết ngay.
Ngày 12-1, tại Hà Nội, tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và định hướng năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chú ý đến công tác thanh tra, kiểm tra về ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông, nhất là triển khai có hiệu quả hoạt động của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông, hướng tới xử lý sớm và triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đánh giá về những thành tựu đã đạt được trong năm 2009, bên cạnh những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định công tác tài nguyên và môi trường đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đặt ra.
Nhấn mạnh năm 2010 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010 của ngành tài nguyên và môi trường, đồng thời là năm bản lề trong tiến trình phát triển của đất nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục tập trung chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường bền vững. Trong đó tập trung vào vấn đề giải quyết nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân các khu vực đô thị và nông thôn.
Về công tác quy hoạch sử dụng đất đai, Thủ tướng cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quản lý tốt hơn vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch để sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng đưa Luật đất đai, Nghị định 69/2009/NĐ-CP vào cuộc sống để thực hiện việc phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, tránh được tình trạng chồng lấn trong quy hoạch giữa các cấp.
Thủ tướng cho rằng quản lý tốt quy hoạch sẽ bảo vệ nghiêm ngặt được diện tích đất chuyên trồng lúa nước, đất có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, góp phần đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, bảo vệ môi trường. Đồng thời phải dành một diện tích đất thích hợp cho phát triển công nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với những trường hợp khiếu kiện đất đai, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc lắng nghe những ý kiến của người dân. Dựa trên cơ sở quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước để giải quyết cho đúng, phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Về công tác khí tượng thủy văn, Thủ tướng chỉ đạo phải làm tốt hơn nữa thông tin dự báo để giúp nhân dân chủ động phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại về người và của. Các địa phương phải xây dựng những giải pháp cụ thể để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó chú ý đến việc xây dựng hệ thống đê biển, đê sông, rừng phòng hộ ven biển để khắc phục khi có thiên tai. Ngành tài nguyên cũng cần khẩn trương điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, số lượng khoáng sản, vấn đề quy hoạch khảo sát tiềm năng biển để có kế hoạch khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo này.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ này đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đã đặt ra trong năm 2009, trong đó có một số mục tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả tốt. Lãnh đạo bộ đã tham gia cùng Đoàn Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu tham dự Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 15) tại Copenhagen, Đan Mạch.
Trong năm qua, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị định, Quyết định, Bộ trưởng đã ban hành 36 Thông tư. Trong đó có nhiều văn bản pháp luật tao được "dấu ấn" quan trọng như Nghị định số 69/2009/NĐ-CP góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc trong quản lý đất đai về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo thuận lợi cho người dân và các nhà đầu tư. Nghị định số 88/2009/NĐ-CP thống nhất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Nghị định số 25/2009/NĐ-CP nhằm thống nhất quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các vùng ven biển, vùng biển và hải đảo Việt Nam.
Trong năm 2010, ngành tài nguyên và môi trường tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ và giải pháp định hướng phát triển, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành; xây dựng củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngành tài nguyên và môi trường; nghiên cứu đề xuất khung chính sách, cơ chế tạo nguồn thu ngân sách từ tài nguyên và môi trường; tăng cường cơ chế phối hợp công tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành...; ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và hiệu qủa điều hành; tăng cường cải cách hành chính; đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
(Theo TTXVN)