Cần gỡ vướng trong đầu tư xây dựng chợ

Cập nhật: 15-05-2024 | 08:11:24

 Theo Luật Đất đai năm 2024, chợ là dự án mục đích công cộng thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, phải thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án. Với quy định trên, việc thực hiện chính sách xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư chợ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại vùng nông thôn. Trong khi đó, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, công tác xã hội hóa thực hiện chuyển giao chợ do Nhà nước đầu tư sang doanh nghiệp (DN) khai thác, quản lý trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do thủ tục giao đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phức tạp, nhất là các chợ được đầu tư xây dựng trên đất công. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều chợ truyền thống tại đô thị sau thời gian dài hoạt động đã xuống cấp, không bảo đảm về môi trường, phòng cháy, giao thông... nhưng việc nâng cấp, cải tạo đang gặp khó. Ngoài nguồn vốn ngân sách đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ còn hạn chế, việc thu hút DN đầu tư gặp khó do hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, theo quy định nguồn vốn ngân sách chỉ hỗ trợ đầu tư đối với chợ đầu mối nông sản, thực phẩm (cấp tỉnh) và chợ dân sinh (hạng 2, 3) ở địa bàn nông thôn, miền núi... Do đó, việc Nhà nước đầu tư cải tạo chợ truyền thống tại khu vực đô thị rất khó để bố trí nguồn vốn.

Ngoài ra, theo quy định: “Ban Quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải các chi phí hoạt động thường xuyên, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và có tài khoản riêng, việc thành lập Ban Quản lý chợ sẽ phát sinh thêm đơn vị sự nghiệp và biên chế tại địa phương. Cùng với đó việc thu, nộp, sử dụng, thanh quyết toán tiền thuê địa điểm kinh doanh và các loại phí, lệ phí trong các chợ chưa thật sự hiệu quả.

Theo ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách sang mô hình chợ tư nhân, DN hoặc hợp tác xã quản lý là cần thiết nhằm khai thác hiệu quả kinh tế, nguồn thu cũng ổn định hơn. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật của ngành công thương chưa có nội dung hướng dẫn quy trình, thủ tục về chuyển đổi mô hình quản lý chợ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách sang tư nhân, DN.

Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác Chính phủ, ông Võ Văn Minh đã kiến nghị Bộ Công thương tham mưu Chính phủ sớm ban hành nghị định mới về phát triển và quản lý chợ. Lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị cần ban hành văn bản mới để thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ- BTM ngày 24-9-2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, hướng dẫn quản lý các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trong tình hình mới hiện nay.

Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc và hướng dẫn rõ quy trình, thủ tục pháp lý đối với việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ, tổ chức và thành lập Ban Quản lý chợ để tỉnh có cơ sở hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh kiến nghị cần có hướng dẫn quy định chung về chuyển đổi mô hình quản lý chợ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách sang mô hình chợ tư nhân, DN hoặc hợp tác xã quản lý bảo đảm công tác đấu giá, đấu thầu đúng quy định của pháp luật.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=407
Quay lên trên