Cần hành lang pháp lý cho thương mại điện tử

Cập nhật: 05-05-2023 | 08:35:25

Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng cao của TMĐT đòi hỏi cơ chế chính sách quản lý của các cơ quan Nhà nước cũng phải thay đổi phù hợp.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu của Việt Nam dự tính tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là TMĐT cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

Một thông tin đáng mừng là hiện ngày càng có nhiều đối tác mua hàng coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng, thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, 50% nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang ở mức KA (nhà xuất khẩu có hạng sao cao). Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Điều này thể hiện xu hướng đầu tư theo chiều sâu ngày càng nhiều hơn của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào TMĐT.

Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT hay giao dịch theo phương thức truyền thống đều áp dụng chính sách, thủ tục hải quan như nhau và không có sự phân biệt. Vì vậy, thực tế hiện nay cơ quan quản lý đang gặp phải một số vướng mắc về hồ sơ hải quan, chính sách quản lý chuyên ngành cũng như khó khăn trong công tác phòng, chống buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Hơn nữa, đối với các cá nhân mua hàng số lượng nhỏ phục vụ mục đích cá nhân vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo quy định trong khi hầu hết thủ tục cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan quy định về hồ sơ thì chỉ có tổ chức thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa mới có thể có đủ hồ sơ, năng lực để thực hiện. Thực tế cũng đang hình thành nên một bộ phận thực hiện việc mua hộ hàng hóa trên các sàn giao dịch TMĐT, website thương mại bán hàng và vận chuyển số hàng hóa này về Việt Nam theo các con đường không chính thống, gây khó khăn trong công tác đấu tranh đối với các hành vi gian lận thương mại.

Việc có chính sách riêng dành cho hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch về chính sách quản lý, thủ tục hải quan. Từ đó tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua TMĐT, đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, góp phần phát triển TMĐT nhanh và bền vững.

 KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=461
Quay lên trên