Xuất thân từ một gia đình nông dân (ND) nên tôi thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của người ND khi làm ra được hạt lúa, củ khoai; nuôi được con gà, con heo cung cấp cho thị trường. Nhọc nhằn nhưng bấp bênh! Thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường thất thường... là những nguyên nhân gây “sóng gió”, đe dọa sự ổn định trong đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của người ND. Không biết bao lần tôi tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của mẹ khi mọi tính toán “bỗng dưng biến mất” cùng với thiên tai, mất mùa và những trận dịch bệnh gia súc, gia cầm càn quét! Không riêng gì mẹ tôi, mà cứ sau một đợt thiên tai, dịch bệnh hay mất mùa thì nhà nhà ở quê tôi đều buồn hơn đưa đám!
ND ngày nay tuy đã khác trước rất nhiều, đầu tư nhiều hơn, công nghệ sản xuất hiện đại hơn và làm ra nhiều của cải hơn, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh bấp bênh. Đầu tư nhiều,thì thua lỗ cũng nhiều. Đợt dịch bệnh tai xanh đang diễn ra là một minh chứng sống động sự lỗ lã của người chăn nuôi heo. Chỉ riêng tại Bình Dương, tính đến thời điểm này đã có 46/91 xã, phường, thị trấn xuất hiện ổ dịch heo tai xanh. Dịch bệnh đã gây thiệt hại cho 352 hộ với hơn 7.670 con heo mắc bệnh, số heo này đang được cơ quan thú y tiến hành tiêu hủy. Còn nếu tính trong cả nước thì tính đến thời điểm này đã có 21 tỉnh, thành xuất hiện dịch heo tai xanh với khoảng trên 121.000 con heo mắc bệnh; trong đó có khoảng 50% số heo đã chết, phải tiêu hủy. Điều đó đồng nghĩa đã có 352 hộ chăn nuôi heo ở Bình Dương và hàng chục ngàn hộ chăn nuôi heo trong cả nước phải rơi nước mắt vì dịch bệnh gây ra. Trong số đó có bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn vì nợ nần chồng chất? Bao nhiêu người mẹ không mua sắm nổi cho con tấm áo khi bước vào năm học mới? Và, tôi hình dung chắc chắn một điều rằng, sẽ có rất nhiều bà mẹ phải khóc thầm như mẹ tôi ngày xưa!
ND thời nào cũng khổ. Ngoài những nguyên nhân gây khổ cho ND nói trên là những nguyên nhân tưởng chừng như không liên quan nhưng góp phần làm hại ND không kém như việc tăng giá xăng, giá điện, vấn nạn ô nhiễm môi trường (ONMT)... Giá năng lượng tăng sẽ kéo giá phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi tăng theo. Tất cả đổ dồn lên vai người ND, trong khi nông sản làm ra giá không tăng hoặc tăng không kịp giá các loại vật tư đầu vào! Sông Thị Vải bị Vedan bức tử là một minh chứng cho việc ND phải hứng chịu vấn nạn ONMT do doanh nghiệp (DN) gây ra. Gần hơn là vườn cây Lái Thiêu nhiều năm liền không ra trái chỉ vì ô nhiễm do nguồn nước thải công nghiệp. Hàng chục ngàn gia đình phải lao đao chỉ vì vấn nạn ONMT do DN gây ra, trong khi pháp luật chưa bảo vệ được người ND trước vấn nạn này.
Chưa hết, nông sản làm ra không bán được phải chất đống rồi đem đổ bỏ; nông sản cùng chủng loại của nước ngoài được DN nhập về tràn ngập thị trường nội địa với giá rẻ hơn; phân bón, thuốc trừ sâu giả chưa được ngành chức năng chặn đứng... Đó là những “thiên la địa võng”, những “bát quái trận đồ” mà ND phải tự tìm đường ra. Mà có phải chỉ phân bón thôi đâu, giống bắp, giống lúa nhiều khi cũng bị các DN làm giá, gây sốt khiến ND điêu đứng!
Ai cứu ND? Câu hỏi vẫn chưa có lời giải.
LÊ QUANG