Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 23/5.
Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tránh việc "tuổi thọ" các của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa.”
Không đưa dự án luật chưa chuẩn bị kỹ lưỡng
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 23/5, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã thông qua 15 luật, 21 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 4 pháp lệnh, 14 nghị quyết quy phạm pháp luật, đã ban hành 11 nghị quyết điều chỉnh chương trình.
Riêng tại kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 văn bản gồm 6 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), 2 dự án luật mới được bổ sung vào chương trình và 3 dự thảo nghị quyết đồng thời cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.
Ông Tùng cũng đánh giá các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua vừa bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, thể hiện tinh thần lập pháp chủ động, vừa kịp thời phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, nhất là những vấn đề đặt ra, phát sinh trong và sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng thừa nhận công tác lập và triển khai thực hiện chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập như việc chuẩn bị một số dự án luật, dự thảo nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định, không bảo đảm tiến độ theo kế hoạch; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; tính dự báo, “gối đầu” của chương trình thấp,…
“Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm,” ông Tùng nhấn mạnh.
Cơ bản đồng tình với dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng trước hết Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức việc rà soát để xem xét chặt chẽ sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp luật. Các cơ quan đề xuất cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động, phạm vi điều chỉnh. Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm rà soát trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thông qua, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện.
Khẳng định có những điểm nổi bật nhưng cũng còn những hạn chế trong công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau bày tỏ quan điểm hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định, trong đó có 3 hạn chế cố hữu.
Cụ thể, theo ông Vân, việc thay đổi thường xuyên với chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm chứa đựng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật; kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ.
Một số dự án luật ban hành 2-3 năm lại phải sửa đổi
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết mặc dù Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành xong hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh.
Cá biệt, ông Huy nhận định tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật vẫn là điều cần phải được quan tâm, chú trọng một số quy định có tính khả thi không cao, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Đáng lưu ý, trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành.Trong khi đó, việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật trọng đi vào đời sống tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau…
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy phát biểu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nêu ra thực tế, việc gửi hồ sơ, tài liệu đến các Ủy ban của Quốc hội còn chậm, gây ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu, thẩm tra, dẫn đến chất lượng thẩm tra dự án luật chưa cao như mong muốn. Trong khi đó, khối lượng công việc thẩm tra dự án luật của các Ủy ban là rất lớn.
Vì vậy, đại biểu này đề nghị việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng thủ tục, trình tự trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình, bảo đảm chất lượng hồ sơ, thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết ban hành, tính khả thi.
Góp ý về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội còn rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu, tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.
“Dường như câu chuyện làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được ‘trẻ hóa.’ Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ, không né tránh, không nể nang,” Đại biểu Thắng nhấn mạnh./.
Theo TTXVN