Cần khai thác tốt sản phẩm du lịch

Cập nhật: 29-12-2016 | 13:14:19

Tại buổi tọa đàm đóng góp ý kiến hoàn thiện sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, do Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức vừa qua, các đơn vị lữ hành đánh giá Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch.

Hiện tỉnh Bình Dương có 51 khu di tích lịch sử, di tích văn hóa được công nhận, trong đó có 12 di tích được công nhận cấp quốc gia và 39 di tích được công nhận cấp tỉnh. Trong số này có nhiều di tích với kiến trúc nghệ thuật cổ nổi tiếng như Nhà cổ ông Trần Văn Hổ, Nhà cổ ông Trần Công Vàng; những căn cứ cách mạng nổi tiếng như Chiến khu Đ, Địa đạo Tam giác sắt, rừng Kiến An, cùng các làng nghề truyền thống, khu du lịch sinh thái miệt vườn... Chính tiềm năng này đang và sẽ giúp cho Bình Dương là một điểm đến hấp dẫn du khách.  

Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm đóng góp ý kiến hoàn thiện sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, các đoàn đã đến khảo sát, tham quan chùa Hội Khánh, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, Làng tre Phú An, Khu du lịch Đại Nam, Di tích danh thắng núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng... Thông qua hoạt động này, ngành du lịch tỉnh nhà giới thiệu đến các đơn vị lữ hành, đơn vị truyền thông một số điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, qua đó mong muốn thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp lữ hành và đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, điểm tham quan…

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết chỉ tính trong năm 2016, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ khoảng 4,4 triệu lượt khách, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 4,5% so với năm 2015; doanh thu du lịch ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015. Theo ông Minh, Bình Dương là tỉnh có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá tốt, các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, nhưng với lượng khách du lịch đến trong năm 2016 là chưa tương xứng, rõ ràng ngành du lịch của tỉnh vẫn chưa khai thác hết thế mạnh vốn có của địa phương. Thực tế cho thấy, các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà thời gian qua chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin du lịch, chưa xúc tiến được việc hình thành và phát triển hệ thống những sản phẩm du lịch nổi bật, có giá trị đặc biệt hấp dẫn du khách.

Các thành viên tham gia buổi tọa đàm tham quan Cơ sở sơn mài Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Bà Vũ Thị Ngọc Thu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại - Lữ hành quốc tế Việt Nam (Hà Nội), chia sẻ Bình Dương là điểm đến hấp dẫn, có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch ở đây vẫn chưa tạo được thương hiệu, sức lan tỏa; cùng với đó cơ sở vật chất ở các điểm du lịch chưa hoàn thiện, đồng bộ, các sản phẩm du lịch chưa được khai thác hiệu quả. Do đó, việc quảng bá, tuyên truyền du lịch của Bình Dương cần có kế hoạch cụ thể, chiến lược rõ ràng.

Ông Võ Văn Nở, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết thời gian qua, ngành du lịch của tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương về du lịch. Những ý kiến đóng góp của các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh là hết sức thiết thực, sở sẽ nghiên cứu để có những giải pháp phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, tới đây ngành cũng chú trọng nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên làm công tác du lịch trong tỉnh; đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành chức năng, công ty lữ hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Bình Dương phát triển mạnh hơn. 

THOẠI PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên