Cạn kiệt năng lượng sau Tết

Cập nhật: 17-02-2024 | 11:09:56

Ngày thứ 2 đi làm sau Tết, Nga, 31 tuổi, được giao nhiều nhiệm vụ nhưng cô cảm thấy uể oải, chán nản, không có động lực làm việc.

Nguyễn Thị Nga hiện phụ trách truyền thông cho một doanh nghiệp, được giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động "kick off" (ra quân đầu năm) cùng hàng chục đầu việc khác, nhưng cô luôn cảm thấy uể oải, chán nản. Tâm trí người phụ nữ vẫn "lâng lâng" với kỳ nghỉ Tết với áo dài, bánh chưng, và các kế hoạch du xuân. Chưa kể, chứng đau mỏi vai gáy kèm mất ngủ bởi nhịp sinh hoạt bị xáo trộn dịp Tết khiến cơ thể cô mệt mỏi, chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi.

"Thi thoảng, tôi cố gắng lắm mới tạo được động lực làm việc thì chị em lại rủ đi ăn, chụp ảnh khai xuân, đi chùa khiến tôi không thể tập trung", Nga nói.

Tương tự, Đức Mạnh, 30 tuổi, làm công việc sản xuất video cho một công ty bất động sản, thường xuyên lơ đãng. Ngày thứ hai đi làm sau Tết, anh gửi sản phẩm hoàn chỉnh cho lãnh đạo duyệt nhưng bị yêu cầu sửa lại do không đạt yêu cầu, khiến người đàn ông càng chán nản hơn.

"Suốt những ngày nghỉ, tôi di chuyển, ăn uống nhiều, đặc biệt tiêu thụ rượu bia quá đà khiến đầu óc như bị 'đơ', thường xuyên đau nhức, không thể tập trung", anh nói, thêm rằng nhiều đồng nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Đặc biệt, do tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi", nhiều người lên kế hoạch đến nhà đồng nghiệp, bạn bè chúc Tết, hoặc đi đền chùa, du xuân ở các tỉnh thành..., ảnh hưởng đến công việc.

Mệt mỏi, uể oải sau Tết là tình trạng nhiều người gặp phải.

Bác sĩ, chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, cho biết cạn kiệt năng lượng sau Tết là tình trạng nhiều người gặp phải, dấu hiệu bao gồm cảm giác uể oải, khó ngủ, đau mỏi vai gáy, thắt lưng, khó tập trung công việc, tinh thần đi xuống. Nhiều chuyên gia mô tả về tình trạng này là "post-vacation depression" - trầm cảm sau nghỉ lễ.

Thực tế, những ngày nghỉ Tết thảnh thơi, thoải mái khiến mọi người nảy sinh tâm lý kháng cự với nhịp sống và làm việc vốn dĩ quen thuộc. Vì vậy, khi trở lại với công việc, nhiều người chán nản về tinh thần.

Chưa kể, những ngày nghỉ lễ là khoảng thời gian rất bận rộn, tụ tập liên tục khiến việc thức khuya, dậy muộn, ăn uống không đúng bữa là điều không thể tránh khỏi. Điều này khiến thói quen sinh hoạt bị xáo trộn, cơ thể thường dễ mệt mỏi, tinh thần uể oải.

Nếu tình trạng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ công việc và kế hoạch học tập của nhiều người sau kỳ nghỉ, tinh thần sụt giảm, lạm dụng chất kích thích, là yếu tố thúc đẩy chứng trầm cảm, lâu dài dẫn đến các chứng rối loạn tâm thần. Chưa kể, tình trạng cạn kiệt năng lượng sau Tết có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe vốn có.

Bác sĩ Thu đưa ra lời khuyên không nên quá buông thả hoặc tự tạo áp lực cho bản thân trong thời gian này.

"Ai cũng cần một khoảng thời gian để quay lại nếp sống thường ngày sau một kì nghỉ dài, đặc biệt là những người đi làm xa, rời thành phố để về quê nhà ăn Tết, hoặc du lịch", bà Thu nói, thêm rằng nhóm này cần thời gian để tái cân bằng giờ giấc sinh hoạt, phục hồi sức khỏe sau những chuyến bay.

Vì vậy, bạn không nên quá căng thẳng, nên dành thời gian để bản thân thích nghi từ từ.

Cách hiệu quả nhất là liệt kê danh sách công việc cần ưu tiên, kèm kế hoạch thực hiện chi tiết. Trong đó, ưu tiên những việc đơn giản, dễ thực hiện, không mất nhiều nguồn lực.

"Bạn có thể vừa làm việc, vừa nhâm nhi một ly cà phê hay một tách trà, 'tám chuyện' với đồng nghiệp sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn và không nảy sinh tâm lý kháng cự với việc đi làm", bác sĩ cho hay.

Tương tự, bác sĩ Phan Thái Tân, Huấn luyện viên sức khỏe giảm cân HomeFiT, đưa gợi ý mọi người hãy viết ra các vấn đề hiện tại của mình và mục tiêu trong năm mới để tăng thêm cảm giác quyết tâm, suy nghĩ tích cực, đẩy lùi tâm trí tiêu cực.

"Đặt mục tiêu năm mới không chỉ giúp bạn định hướng bản thân mà còn tạo thêm động lực, kéo bạn ra khỏi nỗi chán nản. Cố gắng tạo ra nhiều giá trị hơn, kiếm nhiều tiền hơn, từ đó có thể 'nghỉ Tết' bất cứ lúc nào bạn muốn", bác sĩ nói.

Một số cách tăng năng lượng tức thì được bác sĩ Tân gợi ý, bao gồm phơi nắng, tắm hay massage cơ thể để kích hoạt hệ bạch huyết. Bạn có thể lựa chọn tắm thảo dược, ngâm bồn nước đá hoặc đơn giản tắm nóng lạnh xe kẽ, hoặc tắm ấm - mát. Cách này thực hiện với nguyên tắc chung hai chế độ chênh nhau khoảng 15-20 độ C, chuyển từ từ để thay đổi nhiệt độ và lắng nghe cảm giác cơ thể, mục đích để tăng chuyển hóa, tăng cảm giác tỉnh táo, tăng sức đề kháng và giãn cơ sau tập.

Bạn cũng có thể chà người bằng xơ mướp, ngâm mặt nước đá. Các cách này có thể đưa vào chuỗi thói quen vệ sinh cá nhân buổi sáng mỗi ngày, giúp cải thiện năng lượng, giảm ngái ngủ, thèm caffein, kích thích sản sinh collagen giúp giảm lão hóa.

Ngoài ra, dọn dẹp nhà cửa và nơi làm việc một cách ngăn nắp cũng là cách để tái tạo năng lượng. Bạn có thể bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như đặt một chậu cây nhỏ hoặc một lọ tinh dầu.

Bên cạnh đó, nên xây dựng lối sống lành mạnh bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, luyện tập đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, thực hành phong cách năng động thay vì ngồi tại bàn làm việc cả ngày.

Đặc biệt, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, thanh lọc cơ thể khỏi "tàn dư" của Tết, xả cồn, cải thiện chức năng đường ruột, giảm đầy hơi, khó tiêu khiến cơ thể nhẹ nhàng hơn, góp phần ngủ ngon.

"Đừng quên dành ra thời gian nghỉ ngơi hợp lý giữa từng khung giờ làm việc, ăn đúng bữa và ngủ đủ giấc. Chỉ khi đã chăm sóc tốt cho bản thân thì bạn mới có thể làm việc hiệu quả được", bác sĩ Tân cho hay.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=685
Quay lên trên