Cần mạnh tay xử lý tình trạng chó thả rông

Cập nhật: 03-04-2024 | 09:39:51

Hiện nay, tình trạng chó thả rông không đeo rọ mõm rượt đuổi cắn người tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh dại. Ngoài ra, tình trạng vật nuôi ra đường phóng uế làm mất mỹ quan đô thị cũng khiến người dân bức xúc.


Một con chó lang thang trên đường bị đội bắt chó thả rông phường Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An) bắt đưa về chờ chủ vật nuôi đến nhận

Linh động trong xử lý

Trong những ngày này, đội bắt chó thả rông phường Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An) bận rộn hơn vì đang là cao điểm nắng nóng, chó thả rông phóng uế, cắn người có nguy cơ gây bệnh dại. Trao đổi với P.V, bà Võ Thị Bạch Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết đội bắt chó của phường được thành lập khoảng 1 năm nay và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Theo thống kê từ cán bộ môi trường phường Tân Đông Hiệp, từ tháng 8-2023 đến ngày 22-3-2024 phường ra quân và đã bắt 62 con chó trên địa bàn 9 khu phố, xử phạt chủ vật nuôi hơn 25 triệu đồng. Hiện lực lượng ở các khu phố cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong khu phố quản lý vật nuôi, chích ngừa định kỳ, không thả rông chó phóng uế bừa bãi gây bức xúc cho người dân và mất mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường An Phú (TP.Thuận An), cho biết song song với tuyên truyền, vận động, địa phương cũng tổ chức lực lượng bắt chó thả rông. Trong vòng 48 giờ nếu chủ vật nuôi không lên nhận lại sẽ được bàn giao đến trường Đại học Nông Lâm (TP. Hồ Chí Minh) phục vụ công tác nghiên cứu.

Cũng theo lãnh đạo UBND phường An Phú, sau thời gian thực hiện cách làm trên, đến nay điểm tiếp nhận tại trường Đại học Nông Lâm cũng quá tải. Mới đây cán bộ thú y phường đã tìm được một cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh tiếp nhận những con chó được bắt về mà chủ không đến đóng phạt để nhận lại vật nuôi. Đầu năm 2024 đến nay, phường An Phú đã ra quân 4 đợt, bắt 12 con chó thả rông, trong đó chủ đến nhận lại 4 con.

Được biết, hiện toàn tỉnh có một số địa phương thực hiện việc bắt chó thả rông, cụ thể như phường Vĩnh Phú, Bình Hòa, An Phú (TP.Thuận An), phường Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An)… Ngoài ra, có 2 địa phương tiến hành “phạt nguội” chủ nếu để chó thả rông phóng uế là phường Phú Cường và phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một). Đại diện các địa phương trên cho biết hiện nay nếu bắt chó thả rông về nhưng chủ vật nuôi không đến nhận thì địa phương phải bố trí nơi nuôi nhốt, trong khi đó ngân sách dành cho khoản này không được cấp, không có nơi tiếp nhận nên việc xử lý đang “bế tắc”.

Số người bị chó, mèo cắn tăng

Theo Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại; năm 2023 cả nước vẫn có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành; 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022; trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có 18 ca tử vong do bệnh dại ở 18 tỉnh, thành, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023; số người phải điều trị dự phòng lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023…

Tăng cường “phạt nguội”

Nói về việc xử lý tình trạng chó thả rông phóng uế gây bức xúc, ông Vương Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường, cho biết địa phương đã tham khảo cách làm của nhiều nơi về việc bắt chó thả rông nhưng “vướng ở khâu xử lý”. Do đó phường đưa ra cách làm là cán bộ thú y phối hợp với tổ dân phố tuyên truyền, vận động chủ vật nuôi ký cam kết, sau đó nếu hộ nào nuôi chó thả rông phóng uế mất vệ sinh mỹ quan, cùng với hình ảnh người dân cung cấp thì sẽ “phạt nguội”. “Vừa qua phường đã phạt nguội một trường hợp và nhắc nhở nhiều trường hợp khác”, ông Vương Thanh Vũ cho biết thêm.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14-3-2024 về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Theo công điện, người đứng đầu địa phương chỉ đạo tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Từ thực tế hiện nay cũng như chỉ đạo của các cấp, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại đến đội ngũ nhân viên phụ trách thú y các địa phương. Đến nay, chi cục đã đặt mua 60.000 liều vắc xin dại và phân phối về các trạm thú y để triển khai tiêm phòng trong năm 2024. Hiện nay, việc xử lý chó thả rông đã được giao về cho các địa phương quản lý và xử lý. Địa phương lập kế hoạch và phối hợp với trạm thú y, các lực lượng liên quan thực hiện tuyên truyền, xử lý theo quy định.


Cán bộ thú y tiêm ngừa phòng bệnh dại trên vật nuôi

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh cho biết năm 2023 tổng đàn chó, mèo đang nuôi trên địa bàn tỉnh là 65.000 con; đã tổ chức tiêm phòng được hơn 57.000 mũi vắc xin. Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã bắt gần 100 trường hợp chó thả rông. Trong tháng 4, chi cục sẽ tổ chức lễ mít tinh phòng, chống bệnh dại năm 2024 trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dại với sự tham gia của chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể và người dân.

 

QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2284
Quay lên trên