Cần nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Cập nhật: 27-09-2023 | 09:31:43

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người đang ngày càng được ngành nông nghiệp và nông dân tỉnh Bình Dương quan tâm thực hiện.

 Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh lấy mẫu đất kiểm tra, đánh giá điều kiện chứng nhận sản phẩm VietGAP

 Không lạm dụng

Theo các chuyên gia khuyến nông, dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những cách góp phần hạn chế sâu bệnh, mùa màng ít bị hư hại, song cũng không nên lạm dụng. Tuy nhiên, người nông dân cần sử dụng thuốc BVTV hợp lý để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, khiến nhiều loài thiên địch của sâu bọ biến mất, tăng chi phí đầu tư... Sản xuất nông sản tồn dư thuốc BVTV, không an toàn có thể khiến người nông dân thua thiệt ngay chính trên sân nhà. Vì vậy, cần nắm nguyên tắc 4 đúng gồm đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách.

Lựa chọn đúng loại thuốc, dạng thuốc nhằm đạt được hiệu quả phòng trừ sinh vật gây hại, hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao, an toàn cho cây trồng, sinh vật có ích, con người, vật nuôi và môi trường. Để chọn đúng thuốc cần điều tra, xác định đúng đối tượng sinh vật gây hại cần phòng trừ. Căn cứ đối tượng sinh vật gây hại cần phòng trừ và cây trồng hoặc nông sản cần được bảo vệ để chọn đúng loại thuốc cần sử dụng. Nên lựa chọn các thuốc ít độc hại với người và môi trường, có thời gian cách ly ngắn, an toàn với sinh vật có ích, thiên địch, cây trồng, không tồn lưu lâu dài trong đất, nước làm ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương.

Đồng thời, lựa chọn đúng thời điểm dùng thuốc BVTV để mang lại hiệu quả. Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM; chỉ sử dụng thuốc khi mật độ sinh vật gây hại cao đạt đến ngưỡng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Phun thuốc BVTV vào giai đoạn sinh vật gây hại mẫn cảm với thuốc (sâu non tuổi 2,3), phun thuốc vào lúc trời mát trong ngày như lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Không nên phun thuốc khi sâu đang ở giai đoạn trưởng thành, trứng hoặc nhộng, khi trên đồng ruộng xuất hiện nhiều thiên địch, sinh vật có ích có khả năng khống chế sự phát triển của sinh vật gây hại. Không nên phun thuốc vào giai đoạn cây trồng mẫn cảm với thuốc như thời kỳ ra hoa, thụ phấn, buổi giữa trưa khi trời nóng. Không phun thuốc khi cây trồng dùng làm thực phẩm sắp đến ngày thu hoạch, không bảo đảm thời gian cách ly.

Cùng với đó, sử dụng đúng liều lượng và nồng độ thuốc nhằm đạt được hiệu quả phòng trừ sinh vật gây hại. Trước khi sử dụng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc, bảo đảm phun đúng liều lượng hoặc nồng độ pha loãng và lượng nước cần thiết cho một đơn vị diện tích, phải có dụng cụ cân đong thuốc. Nếu có thể, nên chọn mua các loại thuốc có bao bì đóng gói phù hợp và thuận tiện pha cho một bình phun. Phun đều, phun hết lượng thuốc đã tính toán trên diện tích cần phun. Cùng với đó, lựa chọn đúng phương pháp xử lý phù hợp với loại thuốc hoặc dạng thuốc nhằm bảo đảm diệt được sinh vật gây hại, hiệu quả kinh tế cao, an toàn cho cây, ít gây ô nhiễm môi trường.

Bảo đảm an toàn, hiệu quả

Theo bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, sử dụng thuốc BVTV trong công tác phòng trừ dịch hại là một trong những biện pháp quan trọng không thể thiếu. Tuy nhiên, thói quen sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm, lạm dụng thuốc, không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi phun thuốc; vỏ bao bì thuốc còn vứt bừa bãi tại đồng ruộng, vườn… đã gây nhiều vụ ngộ độc gây nguy hại đến sức khỏe không những cho người sản xuất mà còn ảnh hưởng xấu đến con người, vật nuôi, an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

Để sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả cần thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng và bảo đảm thời gian cách ly, nên chọn các loại thuốc ít độc, thuốc có nguồn gốc thảo mộc, thuốc sinh học, chọn cây trồng luân canh thích hợp để giảm dư lượng thuốc BVTV có trong đất và giảm nguy cơ gây độc cho cây trồng vụ sau. Khi phun thuốc người nông dân cần mặc đồ bảo hộ lao động, gồm: Mũ đội đầu, quần áo dài bằng vải bông, kính mắt, ủng, tạp dề bằng nylon, áo mưa, găng tay, mặt nạ có hộp lọc… để bảo vệ cơ thể. Khi phun những loại thuốc có độ độc cao cần bảo hộ bằng áo mưa nhựa, che toàn bộ cơ thể, cả phần lưng và phía trước.

Mặt khác, tuân thủ đúng thời gian cách ly đã quy định của từng loại thuốc BVTV là biện pháp thiết thực, quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Nên chọn các loại thuốc ít độc, đồng thời mang tính chọn lọc cao để trừ sinh vật gây hại. Chọn dạng thuốc, phương pháp xử lý và thời điểm xử lý thích hợp để giảm số lần phun, giảm lượng thuốc dùng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chọn cây trồng luân canh thích hợp để giảm dư lượng thuốc BVTV có trong đất và giảm nguy cơ gây độc cho cây trồng vụ sau.

 Không ăn, uống hay hút thuốc trong khi đang tiếp xúc với thuốc. Không bao giờ dùng tay đã dính thuốc chạm vào mặt. Không đi phun, rải thuốc một mình ở nơi vắng người. Sau khi phun thuốc BVTV, người nông dân cần thu gom tất cả những phần thuốc thừa và bao gói thuốc sau khi đã sử dụng; không vứt bừa bãi hoặc tự ý đốt các bao gói thuốc đã qua sử dụng; rửa sạch dụng cụ sau khi phun; rửa tay và mặt trước khi ăn, uống hoặc hút thuốc; tắm rửa sạch sẽ sau mỗi lần phun thuốc bằng xà phòng, thay quần áo sạch.

 THOẠI PHƯƠNG - NGUYỄN TUYẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=733
Quay lên trên