Sáng nay trên đường đến cơ quan, tôi ghé vào một quán bán xôi mua một phần ăn sáng. Quán chỉ bán mang đi nên không có chỗ cho khách đậu xe, khách chỉ việc ngồi trên xe gọi người bán mang xôi ra, trả tiền rồi rời đi nhường chỗ cho người đến sau.
Đến trước tôi là một phụ nữ đi ô tô, chị ngồi trong xe nhận xôi và trả tiền xong vừa định rời đi thì bất chợt có một chị phụ nữ khác đi xe gắn máy chở theo một bé gái đang đến trường đi học. Có lẽ sợ cháu trễ học nên chị ngang nhiên dừng xe ngay trước đầu ô tô rồi í ới gọi mua một gói xôi.
Con đường vốn đã khá chật hẹp, phía bên kia đường đối diện với quán xôi lại có thêm một xe bánh mì cũng đang có nhiều người dừng xe chờ mua nên các phương tiện lưu thông trên đoạn đường này bắt đầu trở nên chen lấn, lộn xộn. Những người có mặt xung quanh yêu cầu chị phụ nữ chở bé gái vòng xe ra phía sau chờ đến lượt mua xôi như những người khác cho chiếc ô tô rời đi để tránh kẹt đường nhưng chị nhất quyết không chịu. Và chị cứ ngồi yên tại chỗ chờ khi nào mua được gói xôi chị mới chịu rời đi, bất chấp những lời góp ý của nhiều người về hành động thiếu chuẩn mực văn hóa giao thông của chị.
Điều đơn giản ai cũng biết khi tham gia giao thông là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.
Tham gia giao thông là sinh hoạt cộng đồng. Ở môi trường ấy, mỗi cá thể sẽ bộc lộ phẩm chất văn hóa, ý thức cộng đồng của mình. Xây dựng văn hóa giao thông không có gì lớn lao mà chúng ta hãy bắt đầu bằng những thói quen nhỏ nhất, không chen lấn, không phóng nhanh vượt ẩu…; có thể chậm một chút nhưng góp phần làm giảm tai nạn giao thông, tôn thêm vẻ đẹp con người Việt Nam, nêu gương tốt về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cùng trẻ em.
MINH HOÀNG