“Căn nhà mơ ước” của người nghèo: Không phải là mơ!

Cập nhật: 28-05-2011 | 00:00:00

Bà Gái thường tự dặn mình rằng không được bệnh, phải ráng khỏe mạnh để lo cho đứa con trai bị bệnh tâm thần. Bệnh thì có thể “ráng” được nhưng nỗi buồn thì không thể... dặn mình! Thế nên, đôi khi bà lại buồn cho số phận, chiều xuống bà hay uống chút rượu để quên cái nghèo khó đeo bám và “uống rượu cho dễ ngủ”. Khi có nhà mới, bà mừng chảy nước mắt, hứa với mọi người: “Từ nay, có nhà che nắng che mưa rồi, tôi không buồn nữa, tôi không uống rượu nữa, tôi sẽ gắng lo cho con”...

Cảnh nghèo    

Bà Nguyễn Thị Gái, ngoài 60 tuổi ở ấp 4, xã Tân Hiệp, Phú Giáo là một trong 3 người vừa nhận được nhà đại đoàn kết (ĐĐK) do Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) - Chi nhánh Bình Dương trao tặng. Mỗi căn nhà trị giá 30 triệu đồng. Một số tiền mà nói như bà: “Tôi không bao giờ dám mơ vì không thể có được. Trước đây, quanh năm, mấy mẹ con sống tạm nơi túp lều dột nát ở góc vườn kia kìa”.

 

Vợ chồng anh Dậu, chị Hạnh vui mừng khi có nhà mới

Theo tay bà Gái chỉ, tôi đến góc vườn nơi có căn lều trước đây là “nhà” của mấy mẹ con bà. Nay có căn nhà ĐĐK, bà giữ lại căn lều làm bếp. Trong lều, anh con trai đã 34 tuổi nhưng bị bệnh tâm thần ngồi ăn chén cơm nguội với mấy đọt rau muống sống chấm nước mắm. Túp lều trống bốn bề và nắng dọi, mưa dột. Dường như không chú ý đến người chung quanh, anh chàng này vẫn trệu trạo nhai cơm. Bà Gái nói giọng buồn buồn: “Nó không được bình thường đâu cô, phải như người ta, đã có vợ có con rồi”...

Chồng bỏ đi để lại cho bà Gái hai đứa con. Bà cặm cụi làm thuê làm mướn nuôi con mấy chục năm nay. Hai con trai bà, một đứa bình thường, còn một đứa bị tâm thần ngơ ngơ ngẩn ngẩn suốt ngày. Bà Gái kể: “Thằng con... bình thường (bà không nói cả tên con) bực bội cảnh nghèo nên bỏ đi biệt tăm, tôi cũng không hay tin tức gì. Thằng con không bình thường này thì có biết đi đâu ngoài việc quanh quẩn bên mẹ. Tôi đôi khi đau yếu cũng dặn mình không được bệnh, phải ráng làm nuôi con. Nhưng nhìn cảnh nhà, nghĩ thân phận mình, buồn lắm cô à. Cô coi, nhà có mấy cây điều đang ra hoa, vậy mà con tôi vác cưa ra cưa hết cành, lá héo, bông rụng, rầu thúi ruột!”. Vì “rầu” nên chiều chiều bà hay uống ít rượu để bớt buồn. Nhưng buồn cỡ nào thì cũng không thể bỏ bê con nên bà đành làm thuê, làm mướn nuôi con. Ngoài đồng tiền làm mướn ít ỏi, bà được trợ cấp 340.000 đồng/tháng. Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau qua tháng qua năm như thế nên chuyện xây căn nhà mới là điều không thể.

Trong nhà bà Gái không có gì đáng giá. Ngoài vườn chỉ là những cây điều lá héo rũ vì bị con bà cưa nham nhở từng cành...

Gia đình anh Nguyễn Tấn Dậu, chị Phạm Thị Hạnh ở ấp 1, xã Tân Hiệp cũng khó khăn trăm bề khi hai vợ chồng làm thuê làm mướn để nuôi 4 đứa con. Theo lời anh chị thì nuôi con đã khó, lấy tiền đâu làm nhà nên có căn nhà mới là cả một niềm mơ ước đã trở thành hiện thực. Gia đình cô Lê Thị Bảy cũng ở ấp 1 có 3 thế hệ và trước đây, họ sống trong căn nhà tranh, vách đất. Cả nhà người lớn đi cạo mủ thuê để nuôi người chưa đến tuổi lao động. Với họ, “nhà xây” là điều không dám nghĩ tới khi “cái ăn đã phải chạy từng bữa”...

Niềm vui về nhà mới

Giá vật liệu tăng nên với 30 triệu đồng, những căn nhà chưa thể hoàn chỉnh được. Riêng nhà bà Gái còn chưa được tô quét gì cả. Hai căn nhà của anh Dậu và cô Bảy thì đã được lót gạch men, tô, quét vôi nên trông khang trang hơn. Họ “khoe” rằng, do người thân thấy họ được cấp nhà ĐĐK nên đã giúp đỡ thêm vài triệu để làm nhà đẹp hơn.

Nhưng được ở trong nhà xây diện tích gần 40m2/căn là cả một niềm ao ước lớn nhất trong cuộc đời của những người nghèo. Bà Gái nói: “Có nhà mới, tôi yên tâm đi làm thuê cho người ta, không sợ thằng con... phá nhà như khi còn ở nhà lá. Cô Bảy cười tươi cho biết: “Từ nhà tranh vách đất sang sống trong căn nhà xây là cả một sự thay đổi lớn lao. Không còn lo  về nhà ở, chúng tôi sẽ yên tâm đi làm, lo cho cuộc sống của gia đình mình đầy đủ, sung túc hơn”.

Gia đình anh Dậu khi có căn nhà mới cũng thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Trước, cả 6 người lớn nhỏ chen chúc trong căn phòng nhỏ bé, tạm bợ thì nay họ đã tiện nghi hơn khi nhà đã ngăn phòng ngủ, bếp hẳn hoi... Chị Hạnh nói trong nước mắt: “Từ giờ, không lo về nhà cửa nữa, tôi rất mừng khi cả nhà mình sống trong căn nhà này. Tôi rất biết ơn nhà tài trợ, chính quyền xã giúp đỡ...”.

Ông Nguyễn Đình Phục, Giám đốc Vietcombank Bình Dương cho biết, ngân hàng luôn cố gắng làm tốt công tác từ thiện - xã hội và việc xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà ĐĐK cho đối tượng chính sách, người nghèo. Đó cũng là một trong những việc từ thiện - xã hội có ý nghĩa mà Vietcombank đã thực hiện trong nhiều năm qua. Năm 2010, chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) Việt Nam thực hiện trong năm 2010 với mục đích tặng học bổng và nhà tình nghĩa. Đối tượng nhận nhà tình nghĩa là những hộ thuộc các đối tượng trên có khó khăn về kinh tế, nhà ở. Tham gia chương trình này, Vietcombank Bình Dương đã ủng hộ 1,7 tỷ đồng xây tặng 50 căn nhà tình nghĩa (trị giá 30 triệu đồng/căn) và trao 100 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) trong năm học 2010-2011. Đến nay, việc trao nhà tình nghĩa đã được tiến hành xây và trao tặng 30 căn tại Bình Phước. Sau chương trình trên, Vietcombank Bình Dương tiếp tục thực hiện chương trình tặng nhà ĐĐK cho những hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trong tỉnh...

Những cơn mưa đầu mùa đã không làm cho các chủ nhân vừa có nhà mới ở đây lo sợ nữa. Họ không còn thức giấc nửa đêm để hứng nước mưa, không còn lo mưa tạt vì 4 phía lều toang hoác, không cửa nẻo gì. Theo ông Hoàng Quốc Hương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, Phú Giáo thì: “Xã vẫn còn nhiều hộ khó khăn về nhà ở cần được giúp đỡ. Chuẩn nghèo được nâng lên và nhiều hộ... tái nghèo. Thế nên, chúng tôi vẫn tiếp tục tìm cách giúp các hộ khó khăn vươn lên”... Mong rằng, sẽ có nhiều căn nhà ĐĐK như thế nữa để bà con nghèo được sống an vui hơn, bớt nhọc nhằn hơn...

QUỲNH NHƯ

Cần trao nhà đại đoàn kết đúng địa chỉ!

Đi cùng chúng tôi trong dịp trao nhà ĐĐK tại các xã, bà Phạm Thị Nguyệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Giáo cho biết, có nhiều trường hợp ở xã báo lên huyện rằng khó khăn về nhà ở nhưng khi khảo sát, chúng tôi đã không chấp nhận xây tặng nhà vì chưa đúng đối tượng, hộ gia đình đó chưa thực sự khó khăn. Về điều này, ông Trần Bình Sơn, Bí thư Huyện ủy Phú Giáo cũng đồng tình. Theo ông, nhất thiết phải khảo sát thật chính xác những hộ thực sự khó khăn về nhà ở mới cấp nhà ĐĐK. Hiện, số tiền các doanh nghiệp hứa ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo của huyện hơn 2 tỷ đồng nhưng thực tế mới thu được hơn một tỷ đồng. Số tiền dùng để xây tặng nhà ĐĐK phải rà soát đúng danh sách, đúng đối tượng và ưu tiên cho những xã còn nhiều hộ nghèo. Có những hộ gia đình tách hộ, cho con cái ở riêng rồi báo với chính quyền xã rằng mình khó khăn về nhà ở nhưng thực tế, hai vợ chồng đều trẻ và khỏe mạnh! Có trường hợp con cái khá giả nhưng lại để ba mẹ già sống tạm bợ trong một “túp lều tranh” ở góc vườn để xin cấp nhà ĐĐK là không thể chấp nhận được. Có 44 căn nhà ĐĐK được trao tại 7 xã, thị trấn và đang khảo sát 75 căn trong cuối tháng 5- 2011, định suất 20 triệu đồng/căn.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=593
Quay lên trên