Do ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu vào, giá cả nhiều hàng hóa thiết yếu đều tăng đã có tác động không nhỏ tới tâm lý mua sắm của người tiêu dùng (NTD). Tâm lý đó thể hiện như cắt giảm chi tiêu tối đa, giảm hàng phi thực phẩm, ưu tiên thực phẩm, chuyển dịch mua hàng nhập khẩu sang hàng nội địa...
Cắt giảm tiêu dùng xa xỉ, tiết giảm chi phí là giải pháp để mọi gia đình sống chung với bão giá
Cân nhắc chi tiêu
Giá xăng, điện, nước, dịch vụ ăn uống, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chi phí sinh hoạt tất cả đều tăng và chưa có xu hướng dừng lại đã tác động tới thói quen mua sắm của NTD. Chị Trương Tố Quyên, ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, TX.Thuận An cho biết, giá cả tăng lên nhưng thu nhập tăng không tương xứng khiến gia đình chị phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm tối đa đối với nhóm hàng phi thực phẩm (quần áo, đồ dùng gia đình, đồ chơi trẻ em, túi xách...). để ưu tiên ăn uống. Tuy nhiên, lượng thực phẩm dùng dần trong tuần, trong ngày cũng giảm xuống khoảng 10% so với trước. Bởi nếu không co kéo, thì sẽ thiếu tiền để chi các khoản khác như ốm đau, ma chay, cưới hỏi...
Trong bối cảnh vật giá tăng cao, hầu hết NTD đang cố gắng tiết kiệm bằng nhiều cách. Thường lệ, đến thời điểm sắp bước vào năm học mới, lễ tết, địa điểm mà chị Phan Thị Quế, ấp 9, Tân An, TX.TDM hay đến mua sắm chủ yếu là các cửa hàng thời trang trẻ em tại các chợ. Nhưng năm nay, thay vào đó, chị đến siêu thị bán hàng dệt may bình ổn giá Vinatex. Chị nói, hàng dệt may của các doanh nghiệp (DN) trong nước mẫu mã ngày càng cải tiến, bền đẹp, bên cạnh đó còn có chính sách bình ổn giá và các hình thức khuyến mại phù hợp túi tiền của một công chức như tôi.
Doanh số tăng chậm
Ghi nhận tình hình kinh doanh của một số siêu thị Co.op Mart, Vinatex, Hải Long, Citimart... trên địa bàn TX.TDM, TX.Thuận An, hầu hết đều kém vui với tình hình diễn biến giá cả tăng cao dẫn đến mãi lực mua sắm giảm, dù DN đã nỗ lực kích thích nhu cầu mua sắm bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Thống kê tại Siêu thị Citimart Bình Dương cho thấy, hiện nay lượng khách tới mua sắm vẫn ổn định, lượng hóa đơn thanh toán, doanh số bán ra không giảm. Theo Quản lý Siêu thị Citimart Bình Dương Nguyễn Hữu Khánh, trị giá hóa đơn thanh toán bình quân trong mỗi lần khách hàng đến mua sắm tại siêu thị trung bình 200.000 đồng/lần, nay vẫn khoản đó, nhưng giá tăng lên bình quân 10 - 15%, tức là giá trị hóa đơn không thay đổi, nhưng số lượng hàng hóa đã giảm.
Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Bình Dương Võ Hữu Thạch cho biết, vào thời điểm đầu năm 2011, siêu thị được giao chỉ tiêu kinh doanh đạt 52% kế hoạch tính đến hết tháng 6. Với chỉ tiêu được giao so với thực tế hiện nay là sức mua không tăng, doanh số bán ra của siêu thị trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 50% so với kế hoạch. Do vậy, siêu thị đang triển khai chương trình giá “sốc” cuối tuần để nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng doanh số trong những tháng còn lại nhưng với tình hình giá cả tăng cao, sức mua chậm thì siêu thị cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu.
Báo cáo kết quả khảo sát thói quen, tâm lý - hành vi mua sắm của 500 NTD ngẫu nhiên khu vực TX.TDM gần đây do Siêu thị Vinatex Bình Dương thực hiện cho thấy, tiêu chí mua sắm NTD quan tâm nhất là giá cả hợp lý, với tỷ lệ rất quan tâm chiếm 58,7% và quan tâm là 32%. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, NTD cũng rất quan tâm đến các hình thức khuyến mãi chiếm đến 36,5%, chất lượng hàng hóa có tỷ lệ 61,7%. NTD tập trung nhu cầu cơ bản nhất là ăn uống, các mặt hàng lương thực thực phẩm được các gia đình trên địa bàn thị xã ưu tiên cao nhất, chiếm 64,8%; còn lại là chi tiêu vào các khoản khác như hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng, hàng lưu niệm (quà tặng).
Giám đốc Siêu thị Vinatex Bình Dương Đoàn Thanh Phương cho biết, hiện nay xu hướng cắt giảm chi tiêu, loại bỏ bớt các khoản không cần thiết, mua bán tiết kiệm, hoặc chuyển sang các mặt hàng có giá rẻ hơn vừa vẫn bảo đảm nhu cầu sử dụng của gia đình mà vẫn tiết kiệm trong thời buổi khó khăn. Cũng theo ông Đoàn Thanh Phương, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần phát huy tác dụng. Đại đa số khách hàng đến siêu thị rất quan tâm đến hàng Việt. Niềm tin của các DN Việt vào NTD cũng rất khả quan. Tâm lý NTD đã thay đổi hẳn theo hướng chuyển dần từ hàng ngoại sang hàng nội. Nắm bắt được nhu cầu đó, phía Siêu thị Vinatex chủ động điều chỉnh về sự đầu tư kinh doanh với 99% hàng hóa là hàng Việt Nam. Ngoài ra, tiêu chuẩn đầu tiên khi nhập hàng hóa, vẫn lấy chất lượng hàng đầu khi muốn đáp ứng đúng nhu cầu, tâm lý của NTD và mong muốn thu hút họ đến và trở thành những đối tượng trung thành của Vinatex Bình Dương.
Sở Công Thương Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 25.567 tỷ đồng, tăng 31,7% so cùng kỳ, đạt 44,2% so kế hoạch năm. Riêng tháng 6-2011, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện đạt 4.351 tỷ đồng, giảm 0,7% so với tháng trước, nguyên nhân do tháng 5 có nhiều ngày nghỉ lễ, sức mua tăng cao, mặt khác giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng cao nhưng sức mua yếu...
TRÚC HUỲNH