Cân nhắc đề nghị giảm thuế GTGT tới 4% để khoan thư sức dân

Cập nhật: 24-05-2023 | 16:09:32

Chính phủ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Chiều nay 24/5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Đã hỗ trợ 233.000 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết trong năm 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch COVID-19, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%; tiếp tục tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ cũng tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất và trước tình hình biến động của giá xăng, dầu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết để điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn kể từ ngày 11/7-31/12/2022, qua đó góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát trước biến động giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự kiến tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022 là khoảng 233.000 tỷ đồng.

Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua thì các giải pháp về thuế có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, trong đó giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Dự báo tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp hơn; khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tăng. Tăng trưởng GDP quý 1/2023 đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ đề ra là 5,6%.  Tăng trưởng chủ yếu nằm ở 2 khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản, trong khi khu vực công nghiệp vốn luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế nhưng lại đang suy giảm.

Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc một số lượng lớn công nhân do doanh nghiệp bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng, khiến đời sống một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cân nhắc kéo dài thời gian giảm thuế

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi, phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước…

Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn. Điều này có thể sẽ gây bị động cho quá trình điều hành thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế giá trị gia tăng đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.

Đối với việc Chính phủ dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2023 do giảm thuế giá trị gia tăng là 24.000 tỷ đồng và dự kiến trong thời gian tới đây sẽ xem xét, tiếp tục giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023 (dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 3.500 tỷ đồng), Quốc hội cho rằng đây là những khoản giảm thu không được dự kiến khi xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Do đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này.

Về hiệu lực thi hành, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra, do đó đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=745
Quay lên trên