Cân nhắc khi chọn ngành, chọn trường
Từ ngày 11-3, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2013. Thời gian kéo dài trên 1 tháng nên hầu hết thí sinh vẫn còn thận trọng khi đặt bút điền các thông tin về chọn ngành, chọn trường.
Tư vấn, định hướng nghề nghiệp là cần thiết đối với học sinh, giúp các em có định hướng đúng trong việc chọn lựa ngành nghề phù hợp với khả năng, sở thích, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vì vậy hoạt động này được các trường thực hiện thường xuyên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, các tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Cô Phạm Thụy Anh Thư, giáo viên trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM) cho biết: “Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của học sinh về nghề nghiệp các em lựa chọn, qua đó có những lời khuyên các em chọn nghề phải phù hợp khả năng, nhu cầu xã hội cần”. Đoàn thanh niên ở các trường học cũng thể hiện vai trò trách nhiệm, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh bằng nhiều hình thức. Mưa dầm thấm lâu, dần dần các em nhận ra khả năng bản thân mà đi đến quyết định chọn ngành đúng sở thích, chọn trường đúng theo năng lực học tập.
Các thí sinh cân nhắc khi chọn trường, chọn ngành (Ảnh: Các học sinh lớp 12 ở TX.Thuận An trao đổi chọn trường, chọn ngành trong buổi tư vấn tuyển sinh ĐH-CĐ diễn ra ngày 10-3-2013)
Từ sau Tết Nguyên đán, hoạt động tư vấn tuyển sinh diễn ra ở nhiều trường THPT trong tỉnh. Các trường ĐH-CĐ đã cung cấp cho các em những thông tin cần thiết về ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo, điều kiện học tập của sinh viên. Với ý nghĩa trường THPT là cầu nối giữa thí sinh với trường ĐH, có trường còn mời Ban giám hiệu đến tham quan nhằm nắm bắt rõ hoạt động của trường, về giới thiệu lại cho học sinh. Thầy Ngô Văn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Bến Cát thể hiện quan điểm, tư vấn tuyển sinh phải biết, hiểu, có đến các trường ĐH thầy cô sẽ làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, các em có thông tin rõ ràng hơn, cụ thể hơn và có niềm tin vào trường sẽ chọn.
Với mong muốn đưa trường đến với thí sinh, trường ĐH Quốc tế Miền Đông (TP.TDM) còn tổ chức xe đưa đón học sinh đến trường tham quan thực tế. Qua tham khảo ý kiến từ Ban giám hiệu các trường, chúng tôi được biết khoảng 80% thí sinh chưa biết về trường sẽ chọn học trong tương lai, thế nên, việc tổ chức cho các em tham quan trường ĐH là cần thiết. Thầy Nguyễn Hoàng Tuyến, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Giáo) nói: “Hiện tại các em chỉ được tư vấn về lý thuyết, đa phần chưa biết về trường, học sinh ở vùng xa càng không có điều kiện tiếp xúc với môi trường ĐH, nên chúng tôi mong muốn các trường ĐH tạo điều kiện để thí sinh được đến tận nơi, nhìn tận mắt”.
Qua các mùa tuyển sinh ĐH gần đây chúng tôi nhận thấy, chỉ những em thật sự giỏi mới chọn các trường có tỷ lệ chọi cao, còn đa số thí sinh có xu hướng chọn trường nhà. Để thu hút thí sinh cũng như đáp ứng yêu cầu đào tạo có chất lượng và đạt chuẩn đầu ra, các trường ĐH trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phương pháp giảng dạy. Về chọn ngành, các em đã biết cân nhắc chọn ngành vừa sức, phù hợp với bản thân và đáp ứng nhu cầu xã hội. Em Nguyễn Thị Minh Hiếu, học sinh trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) chia sẻ, qua tư vấn của thầy cô và xét năng lực bản thân, em quyết định chọn ngành sư phạm. Với ngành này em có thể học tại tỉnh, cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng cao, vì hàng năm ngành giáo dục luôn có nhu cầu tuyển mới giáo viên.
Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, công tác tư vấn hướng nghiệp nhằm nâng tỷ lệ đậu ĐH. Không chỉ có các trường ĐH tư vấn, quan trọng là giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm biết sức học của học sinh mà có lời khuyên để các em lựa chọn ngành nghề đúng đắn.
H.THÁI