Cân nhắc khi vay “Tín dụng đen”!

Cập nhật: 01-06-2010 | 00:00:00

Không cần đăng ký giấy phép kinh doanh, đăng ký thuế, chỉ núp bóng dưới hình thức “dịch vụ cầm đồ”, được vài người quen giới thiệu khách là đã thu được khoản lợi nhuận rất cao. Lãi suất (LS) từ 5 - 10% nhưng thủ tục đơn giản, nhanh gọn... đã khiến cho dịch vụ này nở rộ.

“Một đồng vốn, bốn chục đồng lời”

Như thế, có nghĩa là người vay phải chịu LS “cắt cổ” khi vay, mà mọi người thường gọi là “tín dụng đen”. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, khi các ngân hàng siết chặt nguồn vốn vay, thì người đi vay lại càng có nhiều “cơ hội” để tiếp xúc với tín dụng đen. Thủ tục vừa đơn giản, nhanh gọn nên một số người chọn đây là cách để giải quyết vướng mắc về tài chính. Hiện nay, mức LS được quy định “ngầm” trong giới cho vay khoảng 60% một năm, tức là người vay phải trả 5% mỗi tháng, cao hơn rất nhiều so với mức LS quy định của ngân hàng. Với mức LS này, vợ chồng chị M., TX.TDM phải “gồng mình” trả nợ trong suốt 5 năm trời mà vẫn chưa trả được khoản tiền gốc. Do vợ chồng chị M. cần vốn làm ăn nên vay “nóng” của bà G. số tiền là 200 triệu đồng, tiền lời mỗi tháng phải trả là 10 triệu đồng. Ban đầu, làm ăn khấm khá nên số tiền này được trả cho bà G. đầy đủ và đúng hạn. Thế nhưng, từ khi vật giá leo thang, việc làm ăn giảm sút thì chị M. không thể kham nổi số tiền lãi 10 triệu đồng/tháng. Thế là, số tiền lãi cứ bị chủ nợ cộng dồn vào tiền gốc, tính đến thời điểm này số nợ 200 triệu của chị đã lên tới gần 500 triệu đồng! Chị M. nói: “Tính từ lúc tôi mượn tiền, số tiền lãi đã trả cho chủ nợ vượt qua con số 200 triệu đồng, nhưng tiền nợ gốc vẫn còn. Vậy mà giờ vẫn còn bị “đội” thêm khoảng 300 triệu đồng nên giờ phải treo bảng bán đất thì mới mong thoát nợ”!

Không riêng trường hợp của chị M., ông N., ngụ tại huyện Dĩ An đi vay “nóng” 20 triệu đồng cho con trị bệnh, vì cần gấp nên ông chấp nhận LS “cắt cổ” là 9%/tháng, đó là do quen biết, còn người khác là 10%! Dự tính trong vòng 3 tháng thì ông sẽ hoàn trả nợ. Thế nhưng, cuộc sống gặp nhiều bất trắc nên ông không thể trả nợ như đã hứa. Qua 3 năm vay, số tiền nợ của ông giờ đã lên tới hơn 100 triệu đồng. Còn chủ nợ thì ngày nào cũng đến ngồi lì trong nhà ông để... đòi nợ! Vì vậy, ông phải bán đất để trả. Bán được mảnh đất nhỏ, ông chỉ còn cầm trong tay 20 triệu đồng, hơn 100 triệu đồng tiền bán đất đã phải trả cho chủ nợ thì mới yên thân! Như vậy, từ 20 triệu đồng vốn ban đầu, người cho vay đã hưởng không dưới 100 triệu đồng từ việc cho vay lấy lãi!

Liều mình vay nợ!

Vay “tín dụng đen” thường không phô trương rầm rộ, cần phải có người quen dẫn mối, giới thiệu. Vì vậy, khi giới thiệu đều phải có “tiền công” hay còn gọi là “tiền dịch vụ”! Số tiền dịch vụ này được người cho vay trả sòng phẳng, nhưng lại được tính sẵn vào tiền của người đi vay. Cụ thể như trường hợp của chị H. ở xã Chánh Mỹ cần vay số tiền 300 triệu đồng, LS 8%/tháng. Như vậy, khi trả trước số tiền lời là 24 triệu đồng ở tháng đầu tiên thì chị H. phải chịu thêm tiền dịch vụ 10%, tức là 30 triệu đồng. Tổng cộng, tính cả tiền lãi và tiền dịch vụ, chị H. chỉ được cầm về số tiền chỉ còn 246 triệu đồng. Cách phát sinh phí này rõ ràng là đã dồn người vay vào bước đường cùng. Vì cần tiền mà họ phải chịu mất một khoản quá lớn. Chính vì thế mà loại hình “tín dụng đen” này ngày càng “ăn nên làm ra” và phát triển rầm rộ nhờ có đội ngũ “cò” giới thiệu! Bằng cách khác, khoản tiền dịch vụ được tính theo cách hưởng chênh lệch phần trăm từ tiền lãi của người vay.

Đa số khi người đi vay đều phải có tài sản thế chấp, tài sản mà người cho vay thích nhất là “sổ đỏ”; vì đây là tài sản có giá trị lớn, mà giá trị càng lớn thì lợi nhuận càng cao. Hình thức mà người cho vay áp dụng hiện nay không chỉ là giữ sổ đỏ mà làm thành một hợp đồng mua bán đất. Lợi dụng nhiều người vay có trình độ học vấn thấp, không hiểu biết về pháp luật, họ yêu cầu hai bên ra công chứng giấy tờ cho an tâm, “không ai xù ai”! Thế nhưng, thực tế nếu như quá thời hạn bao lâu thì tài sản kia sẽ thuộc về quyền sở hữu của người cho vay. Nôn nóng cần tiền một cách mau lẹ, những người đi vay cũng đành “liều” ký tên, tự thắt cổ vào thòng lọng sẵn!

Theo anh H., người chuyên cho vay lấy lãi, thì việc làm thủ tục “vay nóng” dễ “gấp trăm lần”, không như đi vay ngoài ngân hàng. Bên cho vay chỉ cần xem xét giá trị đất đai tài sản hiện có, định giá và đồng ý cho vay ở mức nào và đưa ra LS. Nếu đồng ý thì làm giấy tờ và đi công chứng, quy định trễ hạn trong thời gian bao lâu thì tài sản kia sẽ thuộc quyền sở hữu của họ. Trong thời gian gấp, người vay thường ngao ngán cảnh chờ đợi, thủ tục ngân hàng xét duyệt, giải ngân. Đã vậy, vẫn chưa chắc hồ sơ vay vốn của họ được duyệt, vì ngân hàng còn phải xem xét rất nhiều yếu tố. Vì vậy, không ít khách hàng đã liều mạng tìm đến “tín dụng đen” để vay nóng, bất chấp LS ngất ngưỡng trên trời và những rủi ro pháp lý đối với tài sản mà họ đem đi thế chấp.

THỦY TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên