Cần nhiều giải pháp ngăn chặn học sinh nghiện chơi game

Cập nhật: 21-02-2011 | 00:00:00

Học sinh (HS) nghiện chơi game dẫn đến sa sút trong học tập. Đó là chuyện “xưa” rồi, ai cũng biết. Điều đáng nói là, nếu như ngày trước hầu hết HS nghỉ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn bây giờ một bộ phận HS nghỉ bỏ học không phải vì nghèo mà do ham chơi hoặc sa đà vào các trò chơi game vô bổ.

Ông Trần Phát Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Tân Bình (Tân Uyên) đã nghiệm ra rằng, nhiều năm làm công tác quản lý, ông rất thông cảm và xót xa khi có trường hợp HS nghỉ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Còn bây giờ, số HS nghỉ bỏ học có giảm so với trước, nhưng nhìn lại mới thấy giật mình vì bây giờ HS nghỉ học lại rơi vào các gia đình khá giả. Những em này ít được cha mẹ quan tâm vì họ mãi lo làm ăn, phó thác việc học của con em cho nhà trường. Không quan tâm, quản lý con cái nên các em dễ bị bạn bè lôi kéo, trốn tiết đi chơi lêu lỏng, quậy phá hoặc nghiện game. Hiện nay, đời sống của bà con ở vùng nông thôn, nhất là ở những địa bàn có cao su được nâng lên, cuộc sống dư giả, con cái được đủ đầy càng dễ sinh hư nếu không được giáo dục, quản lý chặt chẽ. Một lần đến công tác ở một trường THCS ở Phú Giáo, tôi đã chứng kiến một phụ huynh đến trường kiểm tra xem 2 đứa em có đến trường hay không. Chị này than: “2 đứa nhỏ lúc này nghiện chơi game lắm, có bữa trốn tiết đi chơi, nên thỉnh thoảng tôi đến trường kiểm tra đột xuất như vậy đó”.

  Tổ chức các họat động vui chơi lành mạnh, giúp HS tránh xa các trò chơi game vô bổ

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, số lượng HS nghiện game online trên địa bàn tỉnh chiếm tỉ lệ không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng và phần nào gây tác hại xấu, như tình trạnh các HS nữ đánh nhau, HS ẩu đả nhau ở mức độ không lớn nhưng vụ việc diễn ra ngoài trường nên nhà trường không quản lý được.

Tác hại của việc nghiện game đã rõ, ngoài làm cho HS sa đà vì những trò chơi vô bổ, việc học sa sút, không theo kịp chương trình, dần dần các em chán học và dẫn đến nghỉ học. Điều này đã làm đau đầu những người làm công tác giáo dục. Trước thực trạng trên, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường cần tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tổ chức các trò chơi mang tính tập thể để thu hút HS, nhằm hạn chế phần nào HS chơi game online.  Tăng cường giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường; tổ chức các hoạt động hội thảo trong HS về tác hại của game online. Song song  đó, gia đình cũng nên phối hợp với nhà trường tăng cường các biện pháp quản lý giờ giấc của con em, phối hợp với nhà trường giáo dục một số kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giải quyết tình huống, tăng cường quản lý việc sử dụng máy vi tính tại nhà của HS. Cùng với đó, đơn vị chức năng nên  tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước, phối hợp liên ngành để quản lý có hiệu quả các điểm dịch vụ internet tuân thủ theo những quy định đã đề ra.

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X