Sự tồn tại và phát triển của các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) xuất phát từ nhu cầu gởi con của phụ huynh, trong khi trường công lập không đáp ứng đủ. Tuy nhiên, với chất lượng chăm sóc trẻ ở các NTGĐ hiện nay đã khiến nhiều người lo lắng; vì vậy, hỗ trợ để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của các NTGĐ là vấn đề bức thiết.
Nâng cao chất lượng NTGĐ cũng góp phần làm giảm áp lực cho các trường công leap
Giải tỏa áp lực trường công
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, mỗi năm trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 5.000 trẻ mầm non, mẫu giáo. Với số lượng trẻ tăng đến chóng mặt như thế thì trường công lập không thể đáp ứng được nhu cầu giữ trẻ, mà chỉ ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi. Hiện tại, toàn tỉnh có 265 cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập (NCL) được cấp phép; ngoài ra còn có 157 cơ sở NCL chưa được cấp phép, trong đó có cả NTGĐ. Theo bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT tỉnh thì: Những năm gần đây, số lượng NTGĐ ngày càng tăng. Sự phát triển này đã góp phần giải tỏa áp lực cho các trường công lập, tạo điều kiện để phụ huynh gởi trẻ, an tâm công tác.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An cho biết: “Con tôi được 24 tháng tuổi. Vợ chồng tôi đều đi làm ở công ty, nếu không gởi con ở NTGĐ, tôi chẳng biết gởi ở đâu”. Thực tế cho thấy, nhu cầu gởi trẻ là rất lớn và mô hình NTGĐ sẽ còn phát triển để đáp ứng nhu cầu xã hội. Thị xã Thuận An có 13 trường công lập với 120 nhóm lớp và 4.016 cháu; 19 trường tư thục với 113 nhóm lớp và 3.583 cháu. Riêng NTGĐ có 16 cơ sở có phép và 90 cơ sở không phép. Số lượng trẻ theo học tại các trường tư thục, NTGĐ chiếm trên 40% tổng số trẻ trong độ tuổi ra lớp. Các NTGĐ hoạt động ngày càng quy củ, có kế hoạch, định hướng phát triển, mở rộng về quy mô. Trong quá trình hoạt động, nhiều NTGĐ đã dần được đầu tư nâng cấp thành trường tư thục, như: Trường mầm non tư thục Sao Mai, trường Vành Khuyên, trường Tuổi Thơ, trường Họa Mi, trường Thanh Nhã...
Sự tồn tại của các NTGĐ là tất yếu trong quá trình xã hội hóa giáo dục
Trong thực tế, bên cạnh những NTGĐ hoạt động tốt thì ở nơi này, nơi khác vẫn còn những NTGĐ hoạt động tự phát, không có giấy phép, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ không bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Qua điều tra cho thấy vẫn còn một số cơ sở có mặt bằng chật hẹp (từ 15-20m2/lớp), thiếu sân chơi và ánh sáng, không bảo đảm an toàn, không đủ giáo viên chuyên môn... Đặc biệt, nhiều nhóm lớp có sĩ số cao đến 50-60 cháu. Do quá tải ở các trường công lập, nên rất nhiều cháu phải học tại các NTGĐ với điều kiện chăm sóc chưa bảo đảm là một nỗi nhức nhối của ngành.
Bà Phạm Thị Huệ Trang cho biết: “Chúng tôi rất trăn trở đối với chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở các NTGĐ, nhất là ở những NTGĐ hoạt động không phép. Hiện nay, một số nơi cơ sở vật chất thiếu thốn chật chội, giáo viên chưa có nghiệp vụ, mặc dù ngành giáo dục các cấp đã tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng chuyên môn cho các đối tượng này. Chính vì một bộ phận người giữ trẻ chưa qua trường lớp nên chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ khó lòng bảo đảm được. Theo kế hoạch, sắp tới Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh sẽ phối hợp với ngành giáo dục tăng cường kiểm tra hoạt động chăm sóc và giáo dục ở các NTGĐ, từ đó tích cực hỗ trợ để các NTGĐ phát triển thêm hiệu quả, bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nâng cao chất lượng NTGĐ là cần thiết
Tại Bình Dương, trong khi các KCN, các nhà máy, công xưởng mọc lên ngày càng nhiều thì nhà trẻ cho con em công nhân lại chưa được đầu tư và quan tâm thích đáng. Trên thực tế, nhà trẻ cho con em công nhân tại KCN đã được đưa ra bàn nhiều. Nhưng tình trạng thiếu nhà trẻ cho các KCN vẫn đang diễn ra. Các gia đình công nhân trẻ với đồng lương eo hẹp vẫn phải nơm nớp gởi con em vào những NTGĐ đang tồn tại nhan nhản trên địa bàn mà không biết liệu có an toàn không? Với lực lượng lao động nhập cư đông, thu nhập không cao, trong khi các trường mầm non công lập lại ngày càng quá tải thì việc họ phải chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con, ngay cả việc phải gởi con vào các trường hoặc các NTGĐ hoạt động “chui” cũng là điều tất yếu.
Trong xu hướng ngày càng có nhiều KCN, khu chế xuất tập trung trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ việc đầu tư phát triển mới các nhà trẻ, trường mầm non thông qua kênh xã hội hóa là một hướng đi tốt và cần thiết. Mặc dù ở nhiều nơi, NTGĐ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng thực tế cho thấy để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, các NTGĐ cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Ngoài sự tự thân vận động, các NTGĐ cũng được ngành giáo dục hỗ trợ bằng cách bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, trang bị đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm. Bà Lê Thị Hương, Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Tuổi Thơ tại thị xã Thuận An cho biết: “Chất lượng nuôi dạy trẻ của các NTGĐ thấp là tất yếu do trình độ đội ngũ giáo viên hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn. Để NTGĐ hoạt động hiệu quả hơn, hàng năm ngành giáo dục cần có những đợt tập huấn cho giáo viên của các đơn vị này. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý... Nếu NTGĐ nào hoạt động không hiệu quả, không đúng chuẩn nên nhắc nhở, một hai lần không được thì mạnh tay dẹp bỏ. Có như thế, các NTGĐ sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng chăm sóc trẻ”.
Phần lớn NTGĐ hiện nay vẫn chỉ chú ý đến việc giữ trẻ là chính, công tác giáo dục trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Đây là điều hiển nhiên khi các NTGĐ chủ yếu lấy công làm lời, không có kinh phí để đầu tư chiều sâu. Chẳng hạn, NTGĐ B.T tại Tân Bình, Dĩ An hoạt động ngay tại nhà, cả vợ chồng, con cái của họ đều thay phiên nhau trông trẻ. Ngày nhiều nhất có khoảng 10 trẻ gởi tại đây, hầu hết là con những công nhân thuê trọ xung quanh. Chủ nhóm thu khoảng 12.000 - 15.000 đồng/ngày/trẻ. Đây là nguồn thu chính của gia đình nên hầu như chủ nhóm chẳng đầu tư gì về đồ chơi, đồ dùng cho trẻ. Điều đáng lo nhất là các điểm giữ trẻ tự phát, không có giấy phép hoạt động. Sự tồn tại của các nhóm trẻ này là nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ, sức khỏe, sự an toàn của trẻ. Trường họp nhóm trẻ của bà Phụng tại Thuân Giao vừa qua là một ví dụ. Vì thế, sự phối hợp giữa ngành giáo dục và chính quyền các địa phương nhằm kiểm tra để hỗ trợ đối với các điểm đạt tiêu chuẩn hoặc yêu cầu ngưng hoạt động đối với các điểm không đạt tiêu chuẩn là rất cần thiết.
Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT cho biết thêm: “Thực tế, giáo viên mầm non sau khi ra trường thường chọn về các trường công lập, tư thục bởi chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Về chuyên môn, hiệu trưởng các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn có trách nhiệm quản lý các NTGĐ, thế nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể về quyền hạn cũng như chế độ bồi dưỡng cho họ. Vì vậy, không tránh khỏi tình trạng nhiều nơi chỉ thực hiện qua loa, đại khái”.
Sự tồn tại và phát triển của các NTGĐ là tất yếu trong quá trình xã hội hóa giáo dục, nhất là giáo dục mầm non nhằm góp phần giảm “gánh nặng” cho các trường công lập nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Tuy nhiên, để các NTGĐ bảo đảm chất lượng nuôi dạy trẻ và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, bên cạnh tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ, thiết nghĩ ngành giáo dục cũng cần có những động thái tích cực đối với các NTGĐ đang hoạt động tốt trên địa bàn như tạo điều kiện thuận lợi để các NTGĐ hoạt động bền vững, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, khen thưởng, động viên, khuyến khích... Có như vậy, các NTGĐ sẽ ngày càng phát triển và xây dựng lòng tin từ phía phụ huynh.
NGỌC THANH