Theo cảnh báo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, việc phát triển nhanh cả về số lượng doanh nghiệp và thành phần kinh tế tham gia hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản đã kéo theo những tổn hại về môi trường và thất thoát tài nguyên. Đánh giá của ủy ban chỉ rõ, công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên thực tế còn nhiều tồn tại và bất cập, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết ảnh hưởng đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường. Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu. Trong đó, tổn thất tài nguyên khoáng sản là rất lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô khá nhiều.
Qua thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản từ năm 2008 trở lại đây, các cơ quan chức năng đã xử phạt gần 20 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỷ đồng. Mặt khác, từ năm 2005, việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh cho địa phương, vô hình trung đã tạo điều kiện dễ dãi cho một số tỉnh, thành trong việc cấp phép. Lại không được kiểm tra, giám sát, có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng trái quy định của pháp luật, cấp chồng lên cả quy hoạch của Trung ương.
Chính vì thế, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý khoáng sản từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến đến tiêu thụ. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi một loạt luật, trong đó có Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản... theo hướng tăng cường hiệu lực các cơ quan quản lý Nhà nước, phân công, phân cấp rõ ràng.
M.H (tổng hợp)