Có một thực tế cần nhìn nhận là y tế học đường, y tế tại doanh nghiệp (DN) có nơi làm rất tốt nhưng có nơi còn làm theo kiểu đối phó. Bởi thế, rất cần quan tâm hơn đến sức khỏe của người lao động (NLĐ) bởi có như thế mới bảo đảm được năng suất làm việc, bảo vệ sức khỏe cho công nhân (CN).
Người lao động khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ảnh: Q.NHƯ
Thông tư liên tịch giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định rất rõ về việc thành lập phòng y tế trong DN. Đó là các quy định về số lượng NLĐ để thành lập phòng y tế như: DN có 150 lao động (LĐ) phải có 1 y tá, trên 500 LĐ có 1 y tá, 1 bác sĩ… Trên 1.000 LĐ phải có trạm, ban, phòng y tế riêng… Ngoài ra, còn có những quy định về chế độ độc hại trong quá trình làm việc. Y tế tại DN được thành lập để có kế hoạch theo dõi, nắm tình hình sức khỏe của CN, cán bộ; nghiên cứu tổng hợp, xây dựng kế hoạch công tác vệ sinh, phòng, chữa bệnh. Đặc biệt y tế trong DN cũng là nơi phải theo dõi, nghiên cứu điều kiện làm việc và phát hiện các bệnh nghề nghiệp, để đề xuất biện pháp cải thiện điều kiện làm việc của CN, cán bộ và có kế hoạch phòng chống các bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở sản xuất. Cán bộ y tế tại DN còn căn cứ vào tình hình, đặc điểm sản xuất của từng loại ngành nghề, nghiên cứu đề nghị các chế độ, chính sách, nhằm tăng cường công tác bảo vệ sức khỏe cho CN.
Để giúp DN làm tốt hơn việc chăm lo sức khỏe NLĐ, Sở Y tế đã hướng dẫn, lập hồ sơ vệ sinh LĐ cho 268 DN trong đó có 89 DN đã hoàn tất hồ sơ theo quy định. Tính riêng hệ thống y tế tại các DN hiện nay có 62 trạm y tế, 334 phòng y tế với 649 cán bộ y tế. Trong đó có 41 bác sĩ làm việc bán thời gian, 38 bác sĩ làm toàn thời gian. Sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát môi trường LĐ tại 268 DN, đạt gần 45% kế hoạch trong năm đồng thời duy trì đo kiểm môi trường LĐ tại 226 DN. Ngành y tế tỉnh cũng đã khám sức khỏe định kỳ cho 155.000 người, khám bệnh nghề nghiệp cho 6.900 LĐ của 57 DN. Để giúp y tế trong DN làm tốt hơn về chuyên môn, Sở Y tế cũng đã tổ chức 67 lớp huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho nhân viên y tế, cấp cứu viên tại các DN.
Tuy nhiên, một khó khăn hiện tại là nhiều DN “né” chuyện thành lập phòng y tế. Một số nơi làm cho có để đối phó khi có đoàn kiểm tra đến. Một khó khăn nữa cho DN là khi họ muốn thành lập phòng y tế cũng thiếu về nhân sự. Hầu hết các bác sĩ chỉ ký hợp đồng làm bán thời gian bởi vào làm trong công ty hầu như rất ít việc để làm, cơ hội để họ tiếp cận bệnh nhân, thực hiện khám chữa bệnh theo chuyên ngành đã học không nhiều và cũng ít có cơ hội để học tập, nâng cao trình độ.
Theo ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế thì NLĐ và người sử dụng lao động tại các DN ngày càng có ý thức, chuyển biến trong nhận thức về việc chấp hành đúng pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng hơn tới bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa hợp tác trong việc lập hồ sơ giám định bệnh nghề nghiệp cho CNLĐ. Một số DN chưa chủ động nắm bắt các văn bản hướng dẫn về công tác an toàn vệ sinh LĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ, bệnh nghề nghiệp. Trong phần nhiệm vụ y tế 6 tháng cuối năm cũng như thời gian tới, Sở Y tế cũng triển khai nhiều chương trình hoạt động trong đó quan tâm hơn cho vấn đề sức khỏe NLĐ. “Bình Dương có LĐ ngoài tỉnh đến làm việc rất đông, thế nên, không chỉ chăm lo sức khỏe NLĐ ngay tại các DN mà những khu dân cư, khu nhà trọ đông CN cũng phải quan tâm đến vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Thực tế cho thấy các bệnh dịch từ sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết… thường xảy ra nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường thấp như ở các khu nhà trọ tại TX.Thuận An, TX.Dĩ An… Quan tâm đến cả nguồn nước giếng khoan có bị nhiễm bẩn không, có đủ chất lượng chưa cũng là một việc cần quan tâm hơn nữa…”, ông Lục Duy Lạc chia sẻ.
QUỲNH NHƯ