Chợ truyền thống đang dần bị các kênh bán lẻ hiện đại lấn át, song chợ hàng bông Phú Hòa (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) vẫn đang phát huy lợi thế của mình, cần nhanh chóng xây dựng, kiến tạo bộ mặt của kênh thương mại truyền thống để tăng sức cạnh tranh.
Quy mô chợ hàng bông Phú Hòa hiện tại không đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển
Quá tải
Lệ thường, 9 giờ sáng là lúc các chợ nhỏ sẽ giảm bớt lượng khách, song tại chợ hàng bông Phú Hòa lại thường xuyên rơi vào cảnh ùn ứ, từng hàng dài xe tải nhỏ nối đuôi nhau vào chợ thời điểm này. Chợ càng tấp nập hơn khi ngày càng có nhiều khách mua lẻ, không gian và các lối đi trong chợ càng bị thu hẹp.
Ông Phạm Văn Thúc, đại diện Ban Quản lý chợ hàng bông Phú Hòa cho biết, chợ được DNTN Trung Kiên đầu tư xây dựng năm 2012, trở thành chợ đầu mối nông sản phục vụ nhu cầu người dân Bình Dương cũng như khu vực lân cận. Chợ có diện tích gần 8.200m2. Hiện nay, trong chợ chỉ có 103 quầy sạp, ki- ốt nhưng có hơn 400 hộ kinh doanh khiến chợ luôn trong tình trạng quá tải.
Theo ông Thúc, do nhu cầu kinh doanh của tiểu thương rất lớn nên Ban Quản lý chợ đã phải tận dụng các khoảng trống, lối đi để bố trí cho các tiểu thương không có lô sạp cố định. Bên cạnh đó, từ 4 - 10 giờ sáng hàng ngày là cao điểm, lưu lượng xe hàng hóa nông sản từ các nơi đổ về trung bình 250 phương tiện ô tô các loại cùng hàng trăm lượt khách đến chợ, khiến ách tắc giao thông trong và bên ngoài chợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường… Thực tế chợ ngày càng xuống cấp, khuôn viên hoạt động không đáp ứng đủ so với nhu cầu phát triển.
Cần đầu tư mới
Trước thực trạng này, xây dựng mới chợ đầu mối đang là mong mỏi của nhiều tiểu thương kinh doanh tại đây. Ông Huỳnh Hữu Tài, chủ sạp 66 tại chợ hàng bông Phú Hòa cho biết, hiện tại ông đang thuê 2 sạp liền kề mới đủ chỗ chứa hàng. Tình trạng chật chội vẫn không được giải quyết do chợ quá chật hẹp, hàng hóa nằm san sát nhau ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông cho tiểu thương cũng như khách đến chợ. Mong muốn chợ sớm được xây mới để tiểu thương mở mang kinh doanh. Bà Tí Đô, kinh doanh hơn 30 năm tại chợ hàng bông chia sẻ, nhiều năm gần đây, tình hình buôn bán ở chợ gặp nhiều khó khăn, hạ tầng xuống cấp, nếu được mở rộng, xây mới, sắp xếp lại thì việc buôn bán có thể phát triển tốt hơn.
Thực tế cho thấy, chợ truyền thống vẫn đang kinh doanh hiệu quả và có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, nhất là cơ sở vật chất, hạ tầng, mô hình bán lẻ truyền thống như chợ hàng bông Phú Hòa sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự tồn tại.
Theo đánh giá của lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một, hiện nay hệ thống hạ tầng, diện tích của chợ hàng bông Phú Hòa đã xuống cấp, không bảo đảm phòng cháy chữa cháy, trật tự giao thông, sắp xếp ngành hàng, vệ sinh môi trường, trong khi nhu cầu mua bán tại chợ tăng cao. Vì vậy, để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế chợ truyền thống là cần thiết. Nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về địa điểm tập trung buôn bán hàng hóa nông sản của người dân và giảm tải cho chợ đầu mối nông sản Phú Hòa, lãnh đạo thành phố đã xây dựng dự án chợ theo hình thức xã hội hóa.
Theo đó, khu vực dự kiến xây dựng cách chợ hàng bông Phú Hòa (cũ) không xa, vị trí khu đất thuộc phường Phú Hòa, gần tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Theo khảo sát, khu vực này đang có điều kiện hình thành khu dân cư đô thị đông đúc. Vì vậy, lãnh đạo thành phố xác định trước mắt xây dựng chợ đầu mối và tương lai làm điểm tham quan, du lịch mua sắm. Hiện thành phố dự kiến bố trí quỹ đất 5,5 ha để quy hoạch xây dựng chợ đầu mối nông sản kết hợp lồng ghép với mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, kể cả làm kho bảo quản nông sản… Hiện UBND TP.Thủ Dầu Một đã trình UBND tỉnh, Sở Công thương về dự án chợ xây dựng đầu mối. Sau khi có ý kiến tham mưu của các ngành liên quan, các đơn vị đang tiến hành khảo sát địa điểm, các điều kiện về vị trí, cư dân… để sớm hình thành chợ mới nhằm giảm tải cho chợ hàng bông (cũ) và tạo địa điểm thuận lợi cho người dân kinh doanh, buôn bán.
THANH HỒNG