Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Giáo đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế tập thể (KTTT) để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) không chỉ hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động cho người dân mà còn bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, để các mô hình KTTT phát triển bền vững, huyện Phú Giáo chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý.
HTX Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp Phước Sang được thành lập nhằm xây dựng một mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả, liên kết để các hộ chăn nuôi bò có chung con giống, hỗ trợ đầu ra
Người dân yên tâm tham gia hợp tác sản xuất
Được thành lập từ tháng 12- 2021, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp Phước Sang (ấp Sa Dụp, xã Phước Sang) ra đời xuất phát từ nhu cầu của các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn. Các hộ nông dân mong muốn có một mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả, liên kết để các hộ có chung con giống và được hỗ trợ đầu ra. Ông Trần Công Toại, Giám đốc HTX cho biết HTX có 13 thành viên với tổng số 350 con bò. Trước đây các thành viên chăn nuôi theo gia đình, nhỏ lẻ, nay tham gia vào HTX sẽ giúp thu nhập của các thành viên ổn định hơn. Tại các hộ thành viên, bò nuôi đến giai đoạn xuất chuồng sẽ được HTX thu mua, sau đó cung cấp cho HTX chuyên về giết mổ gia súc.
“Nhờ được bao tiêu sản phẩm nên các thành viên yên tâm khi tham gia HTX. Đặc biệt, trước tình hình giá vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc tăng cao như hiện nay, nhiều hộ thua lỗ không thể tiếp tục chăn nuôi, việc liên kết lại với nhau thành mô hình hợp tác ngoài hỗ trợ nhau về đầu ra, các thành viên còn được hỗ trợ đầu vào như con giống, thức ăn..., qua đó giảm được chi phí đầu tư, góp phần giảm thiểu tình hình khó khăn trong chăn nuôi nông nghiệp như hiện nay. Bên cạnh đó, tham gia vào mô hình HTX là điều kiện thuận lợi để đơn vị có sự hỗ trợ tốt nhất về vắc xin, hoạt động phòng, chống dịch bệnh từ y tế xã...”, ông Toại chia sẻ.
Tại thị trấn Phước Vĩnh, THT Dưa lưới Phước Vĩnh cũng mới được thành lập, thu hút 30 thành viên là các nông hộ trồng dưa lưới theo công nghệ cao, quy trình VietGAP. Việc vận động thành lập THT dưa lưới trên địa bàn thị trấn Phước Vĩnh là hướng đi đúng đắn phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao của huyện; đồng thời là tiền đề để hình thành sản phẩm tham gia chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển mạnh về chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm của các nông hộ trồng dưa lưới trên địa bàn. Hiện các nông hộ trồng dưa lưới trên địa bàn thị trấn Phước Vĩnh đang thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I.
Nâng cao chất lượng hoạt động
Có thể thấy, việc phát triển mô hình kinh tế từ các hộ dân sản xuất, kinh doanh cùng chung một sản phẩm, có cùng sở thích, có liên kết tiêu thụ đầu ra là tiền đề quan trọng để các mô hình KTTT phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành sẽ góp phần đưa KTTT phát triển bền vững, tránh được tình trạng thành lập theo hình thức, hoạt động kém hiệu quả. Ông Nguyễn Trường Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Giáo, cho biết trung tâm luôn đồng hành, chia sẽ kỹ thuật mới cho nông dân trong quá trình sản xuất để hướng tới sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như góp phần đẩy mạnh quá trình tái sản xuất của các thành viên.
Thực tế cho thấy hiện nay các mô hình KTTT muốn phát triển hiệu quả cần rất nhiều yếu tố, như: Cơ chế, chính sách, nguồn vốn, lao động, thị trường, khoa học kỹ thuật… Trong đó, nguồn lao động, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý giữ vai trò quan trọng, quyết định đến thành công trong hoạt động của HTX. Tuy nhiên, đội ngũ này trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Phú Giáo hiện nay còn nhiều hạn chế, rất cần những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT huyện Phú Giáo, đa số các HTX, THT, tổ liên kết còn nhỏ lẻ, hạn chế về năng lực quản trị, thiếu định hướng trong sản xuất, kinh doanh, kỹ năng khai thác thị trường còn yếu, việc tiếp cận các nguồn vốn còn hạn chế... Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX thông qua các các chương trình đào tạo ngắn và dài hạn; từng bước bổ sung kiến thức về quản trị, thị trường, tài chính, nhân sự... cho HTX. Đồng thời, huyện bố trí nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điểm; khuyến khích các HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất...
Để phát huy hiệu quả vai trò của KTTT, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi HTX, THT cần chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi thành viên. Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm hơn trong việc bố trí quỹ đất để các HTX, THT được thuê đất mở rộng sản xuất, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển... |
TIẾN HẠNH