Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn cho phù hợp với giai đoạn mới

Cập nhật: 03-10-2022 | 07:45:37

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa tổ chức hội nghị khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 tại Bình Dương. Hầu hết các đại biểu là cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở (CĐCS) tham dự hội nghị đều cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn cho phù hợp với giai đoạn mới.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TP.Thuận An), chia sẻ cán bộ CĐCS với công việc chuyên môn nhiều, kiêm nhiệm công tác công đoàn nên rất khó khăn trong việc sắp xếp thời gian cho hoạt động công đoàn. Trong khi đó, Luật Công đoàn hiện nay chỉ quy định mỗi tháng chủ tịch, phó chủ tịch CĐCS không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc và ủy viên ban chấp hành, tổ trưởng và tổ phó công đoàn được sử dụng 12 giờ làm việc để làm công tác công đoàn trong 1 tháng. Thực tế, CĐCS càng tổ chức nhiều hoạt động phong trào thì càng vất vả vì không đủ thời gian. Những việc như tổ chức các hoạt động chăm lo, phong trào thể dục thể thao, văn nghệ tạo sân chơi cho công nhân cũng như thăm hỏi công nhân khi ốm đau..., cán bộ công đoàn đều phải làm đầy đủ và hầu hết đều phải dành thời gian sau giờ làm việc. “Do vậy, cần quy định cụ thể thời gian hoạt động cho cán bộ công đoàn trong tháng theo hướng tăng thêm phù hợp với điều kiện hoạt động thực tiễn”, ông Tiến nêu kiến nghị.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Giày Thông Dụng phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị

Còn ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TX.Tân Uyên, cho rằng thực tế hiện nay dù công đoàn cấp trên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật quy định về việc thành lập công đoàn tại doanh nghiệp (DN), nhưng vẫn còn những chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa tạo điều kiện, kéo dài thời gian trì hoãn việc thành lập tổ chức công đoàn tại DN. “Tại Điều 9, Luật Công đoàn, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm còn mang tính khái quát chung chung, chưa cụ thể và các hành vi này thì được quy định chi tiết tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Nghị định 28/2020/NĐ-CP trước đây và hiện nay được quy định tại Điều 35, Điều 36, Điều 37 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Điều này gây khó khăn, bất cập cho việc nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Công đoàn. Do đó, thời gian tới khi nghiên cứu sửa đổi Luật Công đoàn nên quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Công đoàn và thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Bên cạnh đó, cần có chế tài sử phạt cao hơn hiện nay đối với những DN cố tình né tránh việc thành lập tổ chức CĐCS, không nộp kinh phí công đoàn và cản trở hoạt động công đoàn tại DN”, ông Lê Minh Hoàng đóng góp ý kiến.

Xem xét mở rộng đối tượng

Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 10.196 lao động là người nước ngoài đang làm việc tại 3.273 DN. Tại hội nghị, các cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, CĐCS cũng nêu ra nhiều ý kiến. Ông Lê Minh Hoàng cho rằng, nên xem xét sửa đổi mở rộng đối tượng kết nạp người lao động (NLĐ) là người nước ngoài làm việc ở các DN vào tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Trong tình hình mới, nếu không kết nạp thì họ sẽ tham gia tổ chức đại diện người lao động khác.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương, nên kết nạp NLĐ nước ngoài vào tổ chức công đoàn, trong khi xu hướng toàn cầu hóa sẽ ngày có thêm nhiều NLĐ đến Việt Nam làm việc hơn.

Theo ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh, việc xem xét mở rộng đối tượng kết nạp “NLĐ là người nước ngoài” trong tình hình hiện nay là cần thiết vì thực tế đang có rất nhiều NLĐ là người nước ngoài đang làm việc tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các DN của Việt Nam. Tuy nhiên, khi mở rộng đối tượng kết nạp NLĐ là người nước ngoài thì phải tính toán đến việc công đoàn thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của đoàn viên là người nước ngoài khi xảy ra tranh chấp liên quan đến vấn đề tiền lương, hợp đồng lao động...

Ngoài ra, tại hội nghị các đại biểu còn nêu những kiến nghị xem xét sửa đổi Điều 9 Luật Công đoàn, nên quy định chi tiết, cụ thể hóa các hành vi bị nghiêm cấm và thống nhất quy định của Bộ luật Lao động năm 2019; sửa đổi Điều 17, Luật Công đoàn quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với NLĐ ở cơ quan, đơn vị chưa thành lập CĐCS vì Bộ luật Lao động năm 2019 quy định “tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bao gồm CĐCS và tổ chức của NLĐ tại DN” và bãi bỏ quy định vai trò của công đoàn cấp trên cơ sở đối với những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn. Do đó, Luật Công đoàn cũng phải xem xét sửa đổi cho phù hợp với Bộ luật Lao động 2019; sửa đổi Điều 23 Luật Công đoàn về bảo đảm về tổ chức, cán bộ.

Theo các đại biểu, việc quy định “Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định…” đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức công đoàn vì thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đã làm số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách ngày càng giảm, trong khi chỉ tiêu, số lượng CĐCS, đoàn viên công đoàn ngày càng tăng.

Do vậy, với chỉ tiêu, biên chế hạn chế như hiện như nay, các đơn vị trực thuộc LĐLĐ tỉnh gặp nhiều khó khăn trong giải quyết khối lượng công việc lớn. Đại biểu đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm và thống nhất với Trung ương để điều chỉnh, bố trí số lượng biên chế cán bộ công đoàn tương ứng theo số lượng đoàn viên công đoàn, công nhân lao động để bảo đảm chất lượng hiệu quả quản lý.

Ông Nguyễn Phan Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết qua 10 năm thực hiện Luật Công đoàn năm 2012, Bình Dương đã chủ động chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 hiệu quả. Từ đó, phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Qua thực tế khảo sát, đoàn lắng nghe các ý kiến đóng góp của các cấp công đoàn, từ các chuyên gia... Trên cơ sở này, đoàn khảo sát tổng hợp ý kiến góp ý ở các tỉnh, thành trong cả nước để tập hợp báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 cho Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn phù hợp với giai đoạn mới.

ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên