Vụ tai nạn xảy ra tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Khu công nghiệp Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên) làm 9 người bị thương do bỏng lửa và nhiệt đã tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Dù các cơ quan hữu quan của tỉnh liên tục tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở nhưng tai nạn lao động vẫn xảy ra và nhiều vụ đã để lại hậu quả đáng tiếc.
Tích cực hỗ trợ người lao động bị tai nạn
Tất cả 9 lao động bị bỏng lửa và bỏng nhiệt sau vụ nổ bồn chứa bụi tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông đang được điều trị tại 2 cơ sở y tế là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Trong đó, 4 người bị bỏng nặng được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 5 người còn lại bị thương nhẹ hơn được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Công tác tập huấn an toàn lao động được các ngành chức năng quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên
Về nguyên nhân vụ tại nạn, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 6-7, tại xưởng sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông, nhóm công nhân bộ phận bảo trì đi kiểm tra máy sản xuất trong xưởng thì nghe có tín hiệu báo khói. Sau đó, nhóm người này kiểm tra thì phát hiện có khói bốc lên từ bồn chứa bụi phía sau xưởng sản xuất. Nhóm người này cùng những công nhân có mặt tại đó (khoảng 20 người) kéo dây và bơm nước tưới lên phía trên nóc bồn chứa bột gỗ đang bốc khói và vụ tai nạn đã xảy ra làm bị thương 9 lao động. Ngay sau đó, đồng nghiệp và ban lãnh đạo công ty nhanh chóng chuyển những lao động bị thương đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.
Trong Tháng Hành động về ATVSLĐ vừa qua, Sở LĐTB&XH đã phối với các sở, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh tập trung rà soát các cơ sở gia công, chế biến gỗ có sử dụng lò hơi; tổ chức các đoàn thanh tra về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở tiềm ẩn về cháy, nổ. Sở đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động; tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc... |
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông đã đến bệnh viện thăm hỏi, động viên người nhà và trao đổi với bác sĩ để có hướng điều trị tốt nhất cho người lao động bị tai nạn. Theo đó, mọi chi phí gồm viện phí, người chăm sóc cho các nạn nhân được công ty lo đầy đủ. Công ty cũng gửi thêm cho người nhà của mỗi bệnh nhân 10 triệu đồng để có kinh phí chăm lo cho người bệnh; thuê phòng khách sạn gần bệnh viện để người nhà nghỉ ngơi, có nơi sinh hoạt. Cùng với đó, trong thời gian nằm viện điều trị, mọi chế độ lương, thu nhập của những người gặp nạn được công ty chi trả đầy đủ, kể cả người nhà là lao động làm việc ở công ty đi chăm bệnh cũng được chi trả.
Ban giám đốc và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở công ty cũng đã cử người túc trực ở 2 bệnh viện, hỗ trợ tối đa và đề xuất bệnh viện điều trị tốt nhất cho các nạn nhân...
Rà soát, thực hiện nghiêm các quy định an toàn lao động
Thời gian qua, các ngành chức năng đã thường xuyên kiểm tra và có các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn lao động. Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã phát đi thông báo yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp cần rà soát danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu đang sử dụng; lập danh mục các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu về an toàn lao động theo quy định; lập quy trình vận hành an toàn máy móc, thiết bị, vật tư và nguyên liệu. Cùng với đó, các doanh nghiệp thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, bảo đảm máy móc, công trình được duy trì an toàn về bảo vệ môi trường, an toàn lao động và phòng, chống cháy nổ.
Ông Trương Văn Phong, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã có nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chú trọng công tác bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ.
Trong Tháng Hành động về ATVSLĐ vừa qua, với chủ đề “Tăng cường bảo đảm ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, Sở LĐTB&XH đã phối với các sở, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh tập trung rà soát các cơ sở gia công, chế biến gỗ có sử dụng lò hơi; tổ chức các đoàn thanh tra về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ. Sở đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động; tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc...
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: “Sở tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời, sở sẽ đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức, nhận thức, hành động để bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc, chuỗi cung ứng, chú trọng các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ”.
Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tăng cường thanh, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất, Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp tổ chức các hội thảo, diễn đàn, hướng dẫn thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở nguy hiểm cao về cháy, nổ trên địa bàn tỉnh...
QUANG TÁM