Là một tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ cao đã thu hút được một lượng lao động lớn từ các tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc, sinh sống trên địa bàn, đa số tập trung tại các khu, cụm công nghiệp. Do nhu cầu đi lại, sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh lượng người đến giao dịch đăng ký xe mô tô 2 bánh, ngày càng tăng. Theo ghi nhận của chúng tôi chỉ riêng tại bộ phận đăng ký xe mô tô thuộc Đội cảnh sát giao thông Công an thị xã Thuận An thì mỗi ngày bộ phận này tiếp nhận trên 100 hồ sơ đăng ký xe mô tô 2 bánh có những lúc cao điểm lên đến 200 hồ sơ. Các địa điểmkhác trong tỉnh cũng đều tăng.
Dừng xe đúng vạch sơn quy định là một nét văn hóa trong giao thông
Từ đó dẫn đến lượng phương tiện tham gia lưu thông trên các tuyến đường của tỉnh cũng khá đông đúc không kém gì các thành phố lớn, nhất là vào những giờ cao điểm: vào ca, tan tầm của công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Nhìn chung đại bộ phận người dân khi tham gia giao thông trên đường đều chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông (ATGT).
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân chưa có ý thức đầy đủ về những mối nguy hại do hành vi vi phạm luật giao thông của mình gây nên khi tham gia lưu thông trên đường. Vì cuộc sống mưu sinh, một số người đã bất chấp việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tự thiết kế cho chiếc xe máy của mình những bộ phận cồng kềnh không an toàn để tải một lượng hàng hóa gần tương đương với một chiếc xe tải nhẹ, việc làm thiếu ý thức đó không những gây mất an toàn cho chính người điều khiển phương tiện mà còn gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh khi tham gia lưu thông trên đường, thực tế đã có nhiều tai nạn thương tâm mà nguyên nhân là do những “quái xe” gây nên.
Chúng tôi có dịp theo chân tổ tuần tra giao thông, thuộc Đội Cảnh sát giao thông Công an TX.Thuận An tuần tra ở một số tuyến đường trọng đểm và các cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã vào giờ cao điểm, đa số người dân khi lưu thông trên đường đều chấp hành Luật Giao thông đường bộ nhưng có một số người vẫn tìm cách đối phó với lực lượng tuần tra như: có nón bảo hiểm nhưng không đội, chở quá số người quy định trên xe mô tô... Những người vi phạm không bảo đảm an toàn về trật tự ATGT đường bộ khi bị lực lượng tuần tra giao thông xử lý thì thường diện các lý do như là “nhà gần định chạy lại đây một chút nên không đội nón bảo hiểm” hay “đi làm vội nên quên mang nón” và nhiều lý do khác... Đa số những người bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt trên lĩnh vực ATGT đều ý thức được hành vi của mình là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên họ vẫn cố tình vi phạm mà không nghĩ rằng những lỗi vi phạm của mình có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và những người xung quanh.
Trao đổi với chúng tôi thiếu tá Đỗ Văn Hùng, tổ trưởng tổ tuần tra, xử lý thuộc Đội cảnh sát giao thông Công an thị xã Thuận An cho biết: “Địa bàn thị xã Thuận An hiện có rất nhiều khu, cụm công nghiệp, lượng công nhân tham gia lưu thông trên các tuyến đường vào giờ cao điểm khoảng từ 6 đến 7 giờ sáng là rất đông, đa số đều chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ vi phạm các quy định về ATGT, các lỗi phổ biến là chạy lấn tuyến, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định... đa số những người vi phạm không đem giấy đăng ký xe”.
Trước tình hình trên để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong nhân dân, công nhân trong các khu công nghiệp, Ban ATGT các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản pháp luật về ATGT rộng rãi trong nhân dân. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về ATGT cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào “Văn hóa giao thông”, lồng ghép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến đối tượng công nhân để nâng cao ý thức chấp hành tham gia giao thông của người dân, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của người tham gia giao thông với cộng đồng xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định đối với những tổ chức, cá nhân tham gia giao thông, triển khai nhiều hoạt động: họp báo, tặng mũ bảo hiểm, các chương trình cải thiện môi trường giao thông ở địa phương, thi hát, vẽ tranh thiếu nhi, đi bộ hưởng ứng ATGT và phát tặng các tài liệu giáo dục giao thông cho các trường tiểu học. Đây cũng là cơ hội để các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng thể hiện sự ủng hộ và cam kết hành động của mình vì một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả trật tự ATGT và trật tự đô thị trên địa bàn các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trật tự ATGT, tập trung xử lý những lỗi thường là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, phấn đấu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Thực hiện có hiệu quả trật tự ATGT và trật tự đô thị trên địa bàn. 6 tháng đầu năm 2011 lực lượng chức năng đã tuần tra, phát hiện và xử lý trên 60.000 trường hợp vi phạm các quy định về ATGT đường bộ, phạt tổng số tiền trên 30 tỷ đồng.
Thượng tá Phạm Xuân Trường, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết về những giải pháp cơ bản trong việc kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông trong thời gian tới: “Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biển giáo dục pháp luật về ATGT, trong đó tập trung vào hai vấn đề lớn: thứ nhất là hưởng ứng chương trình chiến lược “Thập kỷ an toàn giao thông” do Ủy ban ATGT quốc gia phát động; thứ hai là xây dựng văn hóa giao thông trong cách ứng xử của người tham gia giao thông, đồng thời xã hội hóa công tác tuyên truyền huy động các công ty, doanh nghiệp cùng tham gia để công tác tuyên truyền đạt kết quả cao hơn”...
KHẮC CHUNG