Mặc dù đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước đây nhưng cho đến nay nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) vẫn hoạt động cầm chừng. Sản xuất - kinh doanh của các HTX NN chưa đem lại nguồn thu nhập cao cho xã viên.
Ông VÕ CHÂU BÁU - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Dương:
Quy mô HTX nhỏ, vốn ít
Khó khăn chủ yếu trong hoạt động của các HTX NN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là: sự liên kết giữa các xã viên chưa chặt chẽ do họ chưa hoàn toàn tin tưởng nhau, quy mô của các HTX còn nhỏ lẻ, số vốn của các xã viên còn ít nên các HTX hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, một số khó khăn trong cơ chế quản lý, giá cả thị trường nông sản cũng phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các HTX NN. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX NN phát triển với một số chương trình như: giúp tiếp cận nhiều hơn nữa với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn cũng như giúp tìm hiểu thị trường để có các phương án sản xuất hiệu quả.
Khó bứt phá!
Cho đến giữa năm 2011, toàn tỉnh có 13 HTX NN nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 số lượng HTX hoạt động có hiệu quả, số còn lại là ở mức trung bình đến yếu, kém. Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do năng lực, trình độ quản lý của cán bộ HTX còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm; cơ sở vật chất thì thiếu và yếu.
Cần tạo điều kiện cho các HTX NN tiếp cận nhiều hơn nữa với các nguồn vốn để đầu tư sản xuất
Trong quá trình tìm hiểu mô hình này, chúng tôi khá vất vả mới có thể liên hệ được với Ban chủ nhiệm của các HTX. Mặc dù có trong tay số điện thoại cố định của văn phòng các HTX nhưng cho dù có điện đến nóng máy vẫn không ai nhấc máy. Đến khi đến liên hệ trực tiếp tại các địa phương mới biết rằng các HTX chỉ trực vào buổi sáng, còn buổi chiều thì nghỉ nhưng do phân công nhiệm vụ trực luân phiên nên nhiều khi người trực “vui thì đến, buồn thì thôi”. Với cách hoạt động chưa chuyên nghiệp như vậy nên trong quá trình sản xuất, nhiều Ban chủ nhiệm HTX chưa đưa ra được các quyết sách quan trọng nhằm huy động các nguồn lực tập trung vào phát triển HTX; sự phân công trong sản xuất còn chưa khoa học, chưa thực sự phù hợp với năng lực sản xuất của từng xã viên. Song song đó, sự tham gia của các xã viên cũng còn ở mức hạn chế do nguồn vốn tham gia yếu và còn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Lê - Phó phòng Kinh tế huyện Tân Uyên, nơi tập trung 1/3 số HTX NN của tỉnh cho biết, tuy đã có nhiều thay đổi nhưng hiện nay tất cả các HTX NN trên địa bàn huyện đều hoạt động ở mức từ trung bình đến yếu kém. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân căn bản đó là: hoạt động của các Ban chủ nhiệm HTX chưa thực sự hiệu quả, chưa mạnh dạn, nhanh nhạy, quyết đoán trong việc hình thành nên các phương án kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tâm lý ái ngại khi đầu tư vào sản xuất NN do tình trạng bấp bênh về đầu ra của các sản phẩm, đầu tư vào NN lâu thu hồi vốn. Cùng với đó là do không quen với cách làm ăn theo kiểu hùn hạp, tư tưởng sản xuất nhỏ lẻ của nông dân cũng hạn chế rất nhiều khả năng hoạt động của các HTX NN.
Cần cơ chế mới?
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc hình thành nên các tổ hợp tác, HTX NN tại các địa phương nông thôn mới là hết sức cần thiết. Hiện nay hầu hết các HTX NN trên địa bàn Bình Dương để có thể tồn tại và phát triển đã chuyển sang hoạt động theo kiểu đa ngành, đa nghề nhưng còn rất hạn chế ở quy mô và lĩnh vực hoạt động. HTX NN Tân Ba tại thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên được thành lập cách đây đã 33 năm và đã 2 lần được trao danh hiệu Anh hùng Lao động. Hiện nay HTX có 215 xã viên, 90 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu hàng năm của HTX ước tính đạt 8 tỷ đồng. HTX hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi đến các hoạt động giết mổ gia súc, cưa xẻ gỗ, kinh doanh cửa hàng nước uống giải khát. Khi được hỏi về hiệu quả hoạt động của HTX, ông Dương Thế Phùng - Chủ nhiệm HTX nói hoạt động chỉ dừng ở mức độ khá. Giai đoạn sản xuất hiệu quả nhất của HTX là vào các năm 1984-1985, từ khi mở cửa đến nay hoạt động HTX gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay cái khó của các HTX NN là do mỗi phương án làm ăn đều phải có sự nhất trí của tập thể, mà tập thể thì mỗi người mỗi ý, người nông dân lại có tư tưởng chắc ăn chắc làm, chưa nâng cao trách nhiệm với hoạt động của tập thể nên để có thể đưa ra quyết định chung cho các phương án làm ăn mới phải tốn nhiều thời gian. Đến khi đưa ra được quyết định thì cơ hội đã qua. Bên cạnh đó việc tiêu thụ sản phẩm tập thể rất khó khăn. Ông Phùng cho biết thêm, để có thể vực dậy hoạt động của các HTX cần thiết phải có nguồn vốn mạnh, trong đó chủ yếu là nguồn vốn Nhà nước. Bên cạnh đó cũng cần tạo thêm khả năng tự quyết cho Ban chủ nhiệm của các HTX để nắm bắt các cơ hội sản xuất.
Thực tế cho thấy, thời gian qua hoạt động của các HTX NN đã mang lại một số lợi ích cơ bản cho nông dân. Các HTX đã đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống, vật tư, dịch vụ phục vụ nông nghiệp... Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các HTX NN phát triển, tỉnh đã có một số hoạt động đầu tư cho các HTX NN như: chuyển giao khoa học công nghệ thông qua công tác khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường; hỗ trợ tập huấn cán bộ quản lý. Các HTX mới thành lập được tỉnh cấp đất xây dựng văn phòng và trang bị thiết bị đầy đủ. Nhưng để cho các HTX hoạt động thực sự hiệu quả cần mạnh dạn hơn trong việc quản lý và tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn. Với các HTX hoạt động yếu kém, cầm chừng, không có khả năng phát triển thì xem xét giải thể. Song song đó là cần tạo cơ hội cho những con người có đủ năng lực, trình độ, nhạy bén để đảm nhận vị trí chủ nhiệm HTX.
CAO SƠN