Công tác đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại so với trước; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy để đào tạo chuyên sâu; việc liên kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp (DN) chưa cao... Đó là nhận định của nhiều tiến sĩ, nhà chuyên môn và cả DN tại “Hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh năm 2022” vừa được tổ chức.
Ông Nguyễn Quang Sang, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương, cho rằng các trường nghề cần đào tạo tay nghề cho lao động phục vụ ngành logistics vì còn thiếu rất nhiều
Chất lượng đào tạo chưa đồng đều
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 DN trải đều trên các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, lãnh đạo các trường trung cấp, cao đẳng đào tạo nghề. Qua các tham luận cho thấy, chất lượng đào tạo nghề giữa các trường đang có sự chênh lệch khá cao, đồng nghĩa với việc đào tạo đội ngũ sinh viên có tay nghề chất lượng hàng năm khá thấp so với nhu cầu phát triển của tỉnh.
Nhận định chung của những người làm chuyên môn là để đào tạo được đội ngũ sinh viên có tay nghề chất lượng, các cơ sở GDNN phải được đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển để tăng giờ thực tập, giảm học lý thuyết. Các trường phải có sự liên kết với các DN trong đào tạo, đưa sinh viên xuống thực tập và sau đó được nhận vào làm việc. Sự liên kết này phải được 2 bên ký kết trong khoảng thời gian từ 5 - 10 năm chứ không phải ngày một ngày hai. Bên cạnh đó, văn hóa DN cũng phải được đào tạo. Để thu hút sinh viên, trường phải đa dạng các hoạt động ngoại khóa, tạo phong trào vui chơi lý thú. Hàng năm, các trường phải có đánh giá, rà soát về tỷ lệ ra trường của sinh viên có việc làm đúng chuyên môn hay không...
Từ các tiêu chí trên, có thể thấy có rất ít cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện được trong giai đoạn hiện nay, chỉ có trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An là phát triển đúng hướng, đúng trọng tâm đề ra. Ngôi trường này không chỉ đáp ứng về diện tích, mà còn đầu tư nguồn vốn “khủng”, số giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt 60%. Trường có thể đáp ứng nhu cầu dạy và học lên tới 10.000 sinh viên/năm, đào tạo các ngành, nghề “hot”, như: Cơ khí, quản trị kinh doanh, công nghệ ô tô, ứng dụng phần mềm, điện tử... Trường được đầu tư nhà xưởng, trung tâm nghiên cứu công nhệ cao, mua sắm trang thiết bị hiện đại từ Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản...
Bên cạnh đào tạo chuyên sâu, ngôi trường này thực hiện thành công mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng với các công ty hàng đầu thế giới tại Việt Nam, như: Công ty Bosch (Đức), Colgate Palmolive (Mỹ), Sancon (Đan Mạch). Chất lượng đào tạo được kiểm chứng với mức lương khá cao, tùy vào ngành nghề và năng lực của học viên, sinh viên. Trường cũng thường xuyên phối hợp đào tạo nghề cho hàng chục công ty khác trên địa bàn các khu công nghiệp trong tỉnh.
Sự phối hợp với DN chưa cao
Tiến sĩ Phạm Minh Quyên, Giảng viên Khoa Kinh tế, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho rằng: “Muốn nâng cao chất lượng đào tạo lao động phải có sự phối hợp tốt giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà DN. Nhà nước thực hiện công tác quản lý vĩ mô, tạo hành lang pháp lý và bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh để làm nền tảng cho các chủ thể kinh tế thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhà trường chịu trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu xã hội. Nhà DN ngoài việc tổ chức, thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, còn tạo công ăn việc làm, sử dụng và đào tạo lao động và nhiều trách nhiệm xã hội khác”.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa 3 nhà thời gian qua đối với công tác đào tạo nghề chưa thực sự đạt hiệu quả. Ông Lê Nho Lượng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương thẳng thắn nhìn nhận: “Thiết bị dạy nghề còn thiếu, lạc hậu, khác xa với thực tế tại DN. Nhiều ngành nghề DN có nhu cầu nhưng trường không đáp ứng được. Trường chỉ đang duy trì một số ngành nghề đào tạo đang có, chứ chưa đáp ứng được những gì DN cần. Mối quan hệ giữa trường và DN còn lỏng lẻo...”.
Tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, trong 3 năm học vừa qua, trường chỉ ký kết đào tạo nghề cho 5 DN với 6 lớp nghề. Bên cạnh một số nghề sau khi tốt nghiệp, sinh viên rất khó tìm việc tại các DN như tin học văn phòng, thiết kế đồ họa, quản trị mạng hệ trung cấp... thì nghề cắt gọt kim loại các DN cần rất nhiều nhưng trường không đủ đáp ứng cho DN. Để giải quyết vấn đề này, đại diện trường đề xuất Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ DN chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, ký kết hợp tác đào tạo nghề cùng các trường; có định hướng xu thế phát triển và mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, tăng chỉ tiêu đào tạo các nghề mà DN đang cần. Nhà nước cũng cần cho phép các trường có quyền tự chủ nhiều hơn trong việc liên kết, đào tạo nghề cùng DN...
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng hội thảo nhằm mục đích tăng cường kết nối giữa DN, các cơ sở GDNN và sự quản lý của Nhà nước trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động trong thời gian tới. Những đề xuất từ phía DN, các trường sẽ được ghi nhận, tháo gỡ, nhằm tạo ra môi trường đào tạo nghề chất lượng, tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.
QUANG TÁM