Trẻ em giải nhiệt tránh nóng tại một công viên nước ở Richmond, British Columbia, Canada ngày 29/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Canada ngày 29/6 cho biết ít nhất 69 người tại thành phố Vancouver đã tử vong trong đợt nắng nóng kỷ lục bao trùm miền Tây Canada và nhiều bang của Mỹ ở Tây Bắc Thái Bình Dương.
Theo thông báo của Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), hầu hết ca tử vong ở các vùng ngoại ô Burnary và Surrey của Vancouver trong 24 giờ qua là người cao tuổi hoặc những người có bệnh lý nền.
Nhà chức trách ở nhiều địa phương khác cũng cho biết họ đã tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại thông báo những trường hợp tử vong đột ngột, song hiện chưa có thống kê cụ thể.
Đại diện RCMP nhấn mạnh mặc dù giới chức trách đang tiến hành điều tra, song nắng nóng được cho là một yếu tố dẫn đến phần lớn các trường hợp tử vong nói trên.
Cùng ngày, thị trấn Lytton của tỉnh British Columbia ghi nhận nhiệt độ lên tới 49,5 độ C - mức nhiệt cao chưa từng có trong lịch sử Canada.
Đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Viện Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada (ECCC) cho biết: "Vào 16h20, trạm khí tượng Lytton đo được mức nhiệt 49,5 độ C, ngày thứ 3 liên tiếp phá kỷ lục nhiệt độ hằng ngày và thậm chí phá mọi kỷ lục nhiệt độ từ trước tới nay."
Trước đợt nắng nóng này, mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận ở Lytton là 44,4 độ C năm 1941. Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Canada là 45 độ C tại thị trấn Yellow Grass và thành phố Midale, thuộc tỉnh bang Saskatchewan vào tháng 7/1937.
Cơ quan Môi trường Canada đã ban bố cảnh báo đối với các tỉnh British Columbia, Alberta, cùng nhiều khu vực thuộc tỉnh Saskatchewan, Manitoba, vùng lãnh thổ Yukon và các vùng lãnh thổ phía Tây Bắc, nhấn mạnh "đợt nắng nóng lịch sử kéo dài và nguy hiểm sẽ tiếp diễn trong tuần này."
Tại Mỹ, nhiệt độ ở các thành phố Portland, Salem thuộc bang Oregon và Seattle thuộc bang Washington cũng tiếp tục ghi nhận các mốc nhiệt cao chưa từng thấy kể từ kỷ lục ghi nhận vào những năm 1940 khi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trải qua đợt nắng nóng gay gắt.
Nắng nóng gay gắt trải dài từ bang Oregon của Mỹ tới các vùng lãnh thổ của Canada ở Bắc Cực được cho là nguyên nhân tạo ra một vùng áp suất cao kéo dài khiến khí nóng bao trùm khu vực này hiện nay.
Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết nhiệt độ cao nhất đo được tại Portland là 46,1 độ C, tại Seattle là 42,2 độ C.
NWS cũng đưa ra cảnh báo tương tự Canada, kêu gọi người dân "ở trong những tòa nhà có điều hòa, tránh hoạt động nặng nhọc ngoài trời và cần uống nhiều nước."
Các thành phố trên khắp khu vực miền Tây nước Mỹ và Canada cũng đã mở các trung tâm làm mát khẩn cấp, đồng thời cấp phát nước và mũ cho người dân.
Biến đổi khí hậu đang làm các mốc nhiệt độ cao kỷ lục xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Trên toàn cầu, thập kỷ kết thúc vào năm 2019 là giai đoạn nóng nhất từng được ghi nhận. Ngoài ra, 5 năm vừa qua cũng là 5 năm nóng nhất trong lịch sử./.
Theo TTXVN