Cảnh báo gia tăng bạo lực tại nơi làm việc

Cập nhật: 15-11-2022 | 08:41:48

Những năm gần đây, bạo lực xã hội ngày một tăng, đặc biệt là bạo lực trong công nhân, người lao động (NLĐ). Ngăn chặn bạo lực tại nơi làm việc đang là vấn đề cấp thiết đối với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) nhằm bảo vệ sự an toàn cho nhân viên, nâng cao năng suất lao động.

 Bạo lực tại nơi làm việc đang có xu hướng tăng lên. Trong ảnh: Sản xuất giày da tại một công ty ở TX.Bến Cát

 Gia tăng bạo lực tại nơi làm việc

Báo cáo kết quả phòng, chống tai nạn thương tích của Trung tâm Sức khỏe lao động môi trường tỉnh từ năm 2016-2020 cho thấy có hơn 144.000 trường hợp bị tai nạn thương tích, trong đó có hơn 750 trường hợp tử vong. Trong các nguyên nhân bị tai nạn thương tích thì vấn đề đặc biệt quan tâm hiện nay đó là sự gia tăng bạo lực trong lực lượng công nhân, NLĐ. Trung bình mỗi năm có hơn 2.100 trường hợp công nhân, NLĐ bị bạo lực, trong đó có nhiều trường hợp tử vong. Mặc dù các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích nhưng số trường hợp bạo lực tại nơi làm việc vẫn tăng cao qua các năm. 9 tháng năm 2022, có 1.425 trường hợp bạo lực tại nơi làm việc, 2 trường hợp tử vong, đáng báo động là những hành vi bạo lực ngày càng mang đậm tính tập thể. Những số liệu thống kê này cho thấy bạo lực trong công nhân, NLĐ tại nơi làm việc đang ngày càng phổ biến hơn, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Thông tin về nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng bạo lực tại nơi làm việc, bà Phan Kim Sương, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động môi trường tỉnh, cho biết hiện bất bình đẳng trong phân công công việc là nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực tại nơi làm việc (giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các bộ phận, vị trí làm việc với nhau). Bởi trong cùng một công đoạn nhưng sẽ có những vị trí việc nhẹ, lương cao, người quản lý không có cách thuyết phục, phân công hợp lý sẽ dễ làm nảy sinh mâu thuẫn bạo lực. Áp lực công việc căng thẳng, môi trường làm việc, điều kiện lao động không tốt, đồng thời các ý kiến không được tôn trọng là nguyên nhân gây bạo lực tại nơi làm việc. Bạo lực tại nơi làm việc có thể được thể hiện bằng việc đe dọa bằng lời nói hoặc văn bản, tin đồn và lạm dụng quyền để chửi nhau, lăng mạ, phân biệt màu da, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, quấy rối tình dục... Những hành động lặp đi lặp lại và dai dẳng đối với một cá nhân có thể gây đau khổ, thất vọng hoặc gây kích động một phản ứng từ người đó dẫn đến bạo lực...

Trong khi đó, khó khăn về kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới bạo lực vì khi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, NLĐ có xu hướng luôn tìm công việc mới và rồi lại đối diện với áp lực thử việc, lương thấp hơn so với những người làm xung quanh. Cứ thế, chính họ lặp đi lặp lại vòng luẩn quẩn mà không có lối thoát dẫn đến bị sa thải… Nhóm người này thường bị căng thẳng tinh thần, dễ dẫn đến việc sử dụng sức mạnh bản thân gây bạo lực. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực tại các DN còn hạn chế, trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật trong một bộ phận người lao động còn thấp (đa số công nhân hiện nay là lao động phổ thông) cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực tại nơi làm việc vẫn còn tiếp tục xảy ra. Nhiều DN chưa quan tâm đến bạo lực tại nơi làm việc, thậm chí thờ ơ, đồng nghiệp không dám can ngăn hay tố giác do ngại liên lụy hoặc sợ trả thù.

Ngăn chặn bạo lực tại nơi làm việc

Tránh bạo lực tại nơi làm việc nên là ưu tiên hàng đầu của tất cả người sử dụng lao động cần làm để nhân viên yên tâm làm việc hiệu quả hơn. Ngăn chặn bạo lực tại nơi làm việc, đơn vị, DN cần: Kiểm tra lý lịch đối với nhân viên mới; đề ra các quy định chặt chẽ về bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc; nhận biết các dấu hiệu và cảnh báo bạo lực; cung cấp một cách rõ ràng và an toàn các biện pháp phòng ngừa bạo lực để nhân viên biết.

Trong một số trường hợp, dấu hiệu cảnh báo nhân viên trở nên bạo lực tại nơi làm việc là có quá khứ bạo lực gia đình hoặc có các hành vi quấy rối tại nơi công cộng. DN kiểm tra lý lịch sau khi nhận hồ sơ sẽ cho biết các vấn đề trong quá khứ của nhân viên với pháp luật. Nếu vấn đề xảy ra gần đây, đơn vị, DN nên hỏi họ chuyện xảy ra như thế nào, trong trường hợp cần, hồ sơ xin việc có thể bị hủy bỏ. Người sử dụng lao động nên đào tạo nhân viên nhận biết các dấu hiệu quấy rối, bạo lực tại nơi làm việc và đưa ra các kế hoạch hành động khẩn cấp để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. DN, đơn vị cần có quy định rõ ràng về bạo lực tại nơi làm việc và chia sẻ với nhân viên. Quy định này cần xác định hành vi quấy rối, bạo lực tại nơi làm việc, kỷ luật, không khoan nhượng và phải cam kết bằng văn bản khi vi phạm.

 Các dấu hiệu cảnh báo bạo lực tại nơi làm việc: Các nhà quản lý và nhân viên nên nhận biết dấu hiệu cảnh báo nhân viên bạo lực: Chán nản hoặc xa lánh khỏi đồng nghiệp; quấy rối đồng nghiệp, lôi kéo đồng nghiệp; nhất quyết phản đối những thay đổi trong công việc; khiếu nại không được đối xử công bằng; hiệu suất công việc không cao hoặc thường xuyên làm không đúng giờ; hoang tưởng; tính khí thất thường.

 HOÀNG LINH - VĂN QUYỀN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên