Một số khu vực đô thị, bãi đất trống người dân tập trung thả diều thường gần hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) dễ xảy ra tai nạn điện. Ngoài ra, việc câu cá gần lưới điện không vỏ bọc cách điện cũng được xem là nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn. Để phòng tránh tai nạn điện xảy ra, chúng tôi đã trao đổi với ông Phan Thanh Phong, Trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD).
Cảnh báo người dân khu vực nguy hiểm về điện khi đi câu cá
- Để ngăn chặn và cảnh báo nguy cơ mất an toàn, vi phạm HLATLĐCA khi thả diều, câu cá, PCBD đã có những giải pháp gì, thưa ông?
- Để ngăn ngừa và cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho lưới điện, cũng như vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) khi thả diều, vật bay gần lưới điện, PCBD đã triển khai thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, thông tin đến người dân để phòng tránh. Cụ thể, PCBD chỉ đạo các điện lực, đội cao thế phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chỉ thả diều tập trung ở các khu vực xa lưới điện, trạm điện. Khi phát hiện người dân thả diều gần lưới điện, có nguy cơ vi phạm HLATLĐ, PCBD phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân di chuyển xa lưới điện; đồng thời tiến hành lắp đặt các bảng “cảnh báo” tại các khu vực này.
Bên cạnh đó, các điện lực bố trí nhân viên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền bằng hình thức phát loa di động trên các trục đường có đường dây điện cao áp đi qua, nơi có người dân tập trung thả diều trong khoảng thời gian từ 16 giờ - 18 giờ hàng ngày. Các điện lực cũng bố trí các nhóm công tác thường xuyên kiểm tra để kịp thời xử lý ngay khi phát hiện diều vướng trên lưới điện. PCBD cũng phối hợp với đài phát thanh, UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền đến người dân về các nguy hiểm khi sinh hoạt gần HLATLĐ để phòng tránh các tai nạn do xây dựng, cơi nới nhà cửa, do lắp đặt biển hiệu…
- Thực tế trong năm 2022 trên địa bàn Bình Dương đã có sự cố lưới điện hay tai nạn điện trong dân mà nguyên nhân do người dân câu cá hoặc thả diều không, thưa ông?
- Bằng nhiều giải pháp đã triển khai, trong năm 2022 hệ thống điện do PCBD quản lý vận hành không xảy ra sự cố do diều vướng vào lưới điện. Riêng đối với nguyên nhân gây sự cố do người dân câu cá dưới đường dây điện xảy ra 1 vụ làm 1 người bị thương nặng. Tại vị trí xảy ra tai nạn, PCBD cũng đã có bảng cảnh báo nguy hiểm khi câu cá gần hoặc dưới đường dây điện. Về biện pháp phòng ngừa, PCBD tiếp tục phối hợp với đài phát thanh, UBND các địa phương tổ chức tuyên truyền ngay về sự cố trên đến người dân để biết, phòng tránh. Đồng thời, PCBD chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, tuyên truyền đến người dân tại các khu vực có lưới điện đi gần, giao chéo sông suối, ao hồ, mương rạch về các nguy hiểm khi câu cá gần, dưới HLATLĐ. Ngoài ra, PCBD đã lắp đặt 64 bảng cảnh báo “Điện cao áp! Nguy hiểm chết người. Tuyệt đối không câu cá gần hoặc dưới đường dây điện” tại các khu vực này.
- Hình thức xử phạt nào đối với cá nhân, tổ chức vi phạm HLATLĐCA?
- Các tổ chức, cá nhân vi phạm HLATLĐ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31-1- 2022 của Chính phủ về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí”. Cụ thể, mức phạt tối đa trong lĩnh vực điện lực là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
- Những giải pháp mà PCBD đang thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền an toàn điện? Khi có những thắc mắc, người dân, doanh nghiệp phải liên hệ ở đâu?
- Từ lâu, những thói quen và sự vô ý của người dân như tự ý trèo lên cột điện, trạm biến áp; thả diều vướng vào đường dây; lắp đặt các loại biển hiệu, quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn; xây dựng công trình nhà ở vi phạm hành lang lưới điện, bắn pháo tráng kim loại vào những dịp lễ tết… là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn điện, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Mặc dù nguyên nhân, các giải pháp phòng ngừa của từng vụ việc đều được PCBD thường xuyên tuyên truyền đến tận người dân trong thời gian qua.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền an toàn điện trong thời gian tới, PCBD đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng quý, hàng năm để triển khai thực hiện. Cụ thể, trong năm 2023, PCBD đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng tháng, từng quý để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn điện trong dân. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, PCBD đã xây dựng nhiều phương án thực hiện và tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức. Tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân sinh sống gần, trong HLATLĐ; thường xuyên thông báo và khuyến cáo đến người dân trên các báo, đài phát thanh - truyền hình thông qua những hình ảnh, tin bài, phóng sự thực tế; phát tờ rơi, treo pano, áp phích với nhiều khẩu hiệu tuyên truyền tại những nơi tập trung đông người như chợ, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí; đăng các tin bài tuyên truyền trên mạng xã hội như Facebook, Zalo; tăng cường kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng ngăn chặn, quyết liệt xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn điện.
Đặc biệt trong thời gian qua, PCBD đã tăng cường dùng loa di động để tuyên truyền về an toàn điện trong dân, bảo vệ HLATLĐ và sử dụng điện tiết kiệm an toàn và hiệu quả. Qua đó, dần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ lưới điện, bảo vệ tính mạng và tài sản của cá nhân, tổ chức sinh sống, làm việc gần hành lang lưới điện. Khi có thắc mắc hoặc phát hiện vấn đề gì gây mất an toàn thì người dân, các tổ chức xin vui lòng thông báo ngay cho điện lực qua số điện thoại: 19009000/19001006 để được hướng dẫn, hỗ trợ và xử lý kịp thời.
- Xin cám ơn ông!
MINH DUY (thực hiện)