Cảnh báo sinh viên mắc bẫy lừa tìm việc làm thêm

Cập nhật: 09-09-2024 | 08:02:49

Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm thêm thu nhập để trang trải học phí, sinh hoạt của sinh viên, không ít đối tượng đã tung ra các chiêu trò “việc nhẹ lương cao”. Từ thủ đoạn câu kéo trên mạng xã hội, cho đến cả kịch bản tinh vi có tổ chức, một số sinh viên, nhất là tân sinh viên đã dính bẫy lừa.


Các đối tượng lừa đảo thường tạo trang website tuyển dụng giả mạo hoặc tham gia vào các hội nhóm việc làm để tìm “con mồi” (ảnh chụp màn hình)

Chưa có việc làm, đã mất tiền

Chị Nguyễn Hồng K. (20 tuổi), sinh viên một trường đại học đóng trú tại TP.Dĩ An, cho biết rất bức xúc vì đối tượng đe dọa sử dụng thông tin cá nhân của chị trên mạng xã hội nếu như không trả… phí bồi thường danh dự. “Thời điểm đó tôi có kết nối với một tài khoản tuyển dụng vị trí gia sư tại các hội nhóm việc làm thêm sinh viên trên Facebook. Sau khi trao đổi thông tin, đối tượng đó yêu cầu phải đặt cọc trước 720.000 đồng để làm hồ sơ đăng ký. Cảm thấy kỳ lạ, tôi nhắn tin từ chối”, chị K. cho biết.

Tuy nhiên, đối tượng lại lấy lý do chị K. làm mất thời gian và uy tín làm việc nên yêu cầu phải đặt cọc cho bằng được hoặc bồi thường danh dự 700.000 đồng. “Dù tôi nói có thể trừ phần cọc qua tháng lương đầu tiên sau khi nhận việc nhưng anh ta vẫn nhất quyết không đồng ý. Khi từ chối, anh ta dọa tung hình ảnh thẻ sinh viên và tài khoản Facebook của tôi lên mạng xã hội để bêu xấu”, chị K. cho hay.

Khác với chị K., anh Lê Cao C. (23 tuổi), ngụ TP.Thủ Dầu Một, đã bị mất tiền bởi một tổ chức lừa đảo mạo danh tuyển dụng việc làm thêm tại một cửa hàng tiện lợi khá nổi tiếng. Anh C. cho biết “Tôi tìm thấy một bài quảng cáo việc làm thêm trên mạng xã hội, sau khi liên hệ thì có một tài khoản cho số điện thoại và hẹn mai đến trụ sở để phỏng vấn. Dù đã có nhiều nghi vấn khi nơi hẹn rất vắng người, cũ kỹ và không có biển hiệu nhưng tôi vẫn vào đó để phỏng vấn xin việc”.

Anh C. cho biết thêm mình đã được hướng dẫn đến nhiều tầng lầu khác nhau để làm hồ sơ, sau đó được một nữ “nhân viên” phỏng vấn yêu cầu phải đóng thế chấp tiền đồng phục 500.000 đồng và nhiều khoản phí khác. “Vì tôi chỉ còn đủ 100.000 đồng nên chị ta tạm thu trước, nói mai tôi phải quay lại đóng đủ nếu không sẽ không được nhận”, anh C. kể. Sau khi đóng xong tiền, tôi cầm giấy hẹn đến cửa hàng tiện lợi để hỏi thì nhân viên nói là chỉ tuyển dụng trực tiếp, không lấy cọc trước hay đăng ký giấy hẹn nào như thế này cả. Sau đó anh C. mới vỡ lẽ vì có nhiều bạn bè mình cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự. “Rất may mắn là không mất nhiều tiền, nhưng thật sự tôi rất sợ hình thức lừa đảo này. Vì khi đến đòi tiền cọc đã bị người trong tổ chức mạo danh này đe dọa hành hung, do đó tôi muốn cảnh báo đến các sinh viên về hình thức này khi xin việc”, anh C. nói.


Cần trình báo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để được bảo vệ và đối phó với hành vi lừa đảo việc làm qua mạng xã hội

Chủ động trình báo cơ quan chức năng

Trả lời về hành vi lừa đảo sinh viên qua việc làm thêm trên mạng xã hội, Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, cho biết do sự phát triển của khoa học công nghệ, các đối tượng tội phạm chuyển dịch từ hành vi lừa đảo việc làm truyền thống sang không gian mạng ngày càng phổ biến.

“Nhiều tân sinh viên dễ mắc phải hành vi lừa đảo việc làm qua mạng xã hội đến từ sự non trẻ khi mới vừa đậu đại học. Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống, đỡ đần gia đình mà nhiều đối tượng đã nghĩ ra nhiều kịch bản nhằm lừa đảo”, Thượng tá Hồ Thọ Hải cho biết.

Để nhận biết hình thức lừa đảo việc làm thêm qua mạng xã hội, Thượng tá Hồ Thọ Hải cảnh báo sinh viên, nhất là các tân sinh viên cần kiểm tra kỹ tính minh bạch, đặc biệt là trang chủ của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, nhà hàng và các công việc bán thời gian khác. “Cần quan sát kỹ xem trang mạng xã hội tuyển dụng đó có dấu tích xanh hay không, kèm theo đó là số lượng lượt tương tác và bình luận phản hồi. Nếu là trang website, cần chú ý đến các tên miền an toàn, như: “.vn”, “.org” hoặc các bạn có thể sao chép địa chỉ trang websites đó để đưa lên các nền tảng kiểm tra lừa đảo mạng”, Thượng tá Hồ Thọ Hải nói. Thượng tá Hồ Thọ Hải cũng nhấn mạnh không được đặt cọc tiền trước cho bất kỳ giao dịch về việc làm thêm hay nhà trọ nếu chưa thực sự tìm hiểu kỹ. Cần tham khảo ý kiến từ gia đình, người thân hoặc nhờ nhà trường đang theo học tư vấn về nơi việc làm thêm uy tín để bảo đảm an toàn.

Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh: “Trong trường hợp gặp phải thủ đoạn lừa đảo việc làm, sinh viên đừng nên e ngại mà hãy chủ động trình báo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nơi các bạn được bảo vệ các quyền lợi công dân hợp pháp, điều này sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý các hành vi tội phạm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đồng thời giúp bảo vệ tân sinh viên tránh bị ảnh hưởng tâm lý quá nặng nề trước các đối tượng xấu”.

THƯỢNG HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=847
Quay lên trên